Tiếng Việt | English

10/05/2021 - 10:09

Cảnh sát môi trường nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử phạt vi phạm về môi trường

Các vụ việc vi phạm về bảo vệ môi trường (BVMT) do lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra, xử phạt đều thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Từ trước đến nay chưa có quyết định nào bị sai sót.

Các ngành chức năng phối hợp kiểm tra hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Các ngành chức năng phối hợp kiểm tra hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Thời gian qua, vi phạm pháp luật về môi trường trên lĩnh vực công nghiệp được phát hiện chủ yếu vẫn là hành vi thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; lắp đặt đường ống, máy bơm, bơm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép ra môi trường; chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường, nguy hại cho đơn vị không có chức năng thu gom xử lý.

Trên lĩnh vực tài nguyên nông nghiệp, ngư nghiệp, tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép trên tuyến Quốc lộ N2, đoạn qua địa bàn Thạnh Hóa, vẫn còn xảy ra và có nhiều phản ánh. Song song đó, trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng khai thác trái phép bùn, cát lòng sông với mức độ nhỏ, lẻ, hoạt động vận chuyển khoáng sản (cát) trái phép không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên tuyến sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa bàn huyện Cần Đước, Bến Lức.

Trong khi đó, môi trường trên lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm vẫn phát hiện tình trạng một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh hoạt động không bảo đảm điều kiện về con người, nơi sản xuất, nguồn nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá mức tối đa cho phép; không thực hiện đúng các quy định về thủ tục pháp lý trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm,...

Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kịp thời tham mưu giám đốc Công an tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Thượng tá Lại Văn Út - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, cho biết: "Từ năm 2015 đến 2020, đơn vị chủ trì kiểm tra, phát hiện tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành gần 100 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền gần 17 tỉ đồng. Sau khi bị xử lý vi phạm hành chính, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các tổ chức, cá nhân vi phạm được nâng lên, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh".

Tất cả vụ việc do lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra, xử phạt đều thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Từ trước đến nay chưa có quyết định nào bị sai sót. Việc áp dụng pháp luật trong xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT được tiến hành theo đúng trình tự, nội dung và thời gian mà pháp luật đã quy định, bảo đảm tính pháp lý và chính xác.

Qua theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, phần lớn các tổ chức, cá nhân vi phạm đều chấp hành nghiêm quyết định xử phạt. Tuy nhiên, còn 22 quyết định chưa thi hành hoặc thi hành một phần với tổng số tiền chưa nộp phạt hơn 1,1 tỉ đồng.

Cảnh sát môi trường lấy mẫu kiểm tra một cơ sở sản xuất về công tác môi trường

Cảnh sát môi trường lấy mẫu kiểm tra một cơ sở sản xuất về công tác môi trường

Theo Thượng tá Lại Văn Út, lý do là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính không có khả năng thi hành quyết định một lần mà tự ý nộp phạt nhiều lần, đóng phạt quá 3 lần, thời gian quá 6 tháng không đúng với quy định của luật xử phạt vi phạm hành chính. Doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể, phá sản, cá nhân là người dân tộc thiểu số, người làm thuê gặp khó khăn về kinh tế, nơi cư trú không ổn định, không có điều kiện thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đối tượng vi phạm cố tình trốn tránh, trì hoãn không thi hành quyết định, chuyển đổi pháp nhân như vợ chuyển công ty cho chồng đứng tên, đổi tên doanh nghiệp, khởi kiện tòa hành chính không thực hiện quyết định, theo luật thì phải thực hiện rồi mới khởi kiện. Đối với công tác phối hợp kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT và việc kiểm tra, xác nhận khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân vi phạm đôi lúc chưa chặt chẽ nên còn một số trường hợp chưa được thực hiện kịp thời theo quy định pháp luật.

Qua thực tiễn tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, đề xuất các cơ quan chức năng cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về công tác quản lý, theo dõi thi hành xử phạt vi phạm hành chính nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đối với công tác này. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công nhân, doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về môi trường. Có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đối với các đối tượng cố tình trốn tránh, trì hoãn không thi hành quyết định xử phạt, đối tượng không có khả năng về tài chính để thi hành quyết định xử phạt. Tăng chế tài xử lý các đối tượng cố tình không chấp hành xử lý vi phạm.

Mặt khác, giữa các cơ quan chức năng liên quan phải thường xuyên thực hiện tốt công tác phối hợp kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT và việc kiểm tra, xác nhận khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân vi phạm./.

Từ năm 2015 đến 2020, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường chủ trì kiểm tra, phát hiện tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành gần 100 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền gần 17 tỉ đồng.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết