Áp dụng phương pháp nuôi dạy trẻ theo kiểu truyền thống hay hiện đại đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, quan trọng là mỗi gia đình biết dung hòa, tìm ra được sự tương đồng giữa kinh nghiệm và khoa học (Trong ảnh: Bà Trần Thị Ngọc Dung chăm sóc cháu trong lúc các con đi làm - Ảnh minh họa)
Truyền thống hay hiện đại?
Đã nhiều năm trôi qua nhưng chị Lê Thị Cẩm Tú, ngụ phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An vẫn tỏ ra thảng thốt khi nhắc về câu chuyện ở cữ của mình. Chị Tú kể, khi sinh con đầu lòng, chị nghe theo lời khuyên của mẹ nên đốt than dưới gầm giường để sưởi ấm, giúp mẹ và bé khỏe mạnh sau này. Tuy nhiên, do phòng kín nên có hôm, con chị bị ngạt. Thấy con có biểu hiện lạ, chị nói với người nhà và đưa cháu đến bệnh viện. Khi biết nguyên nhân là ngạt khí than trong phòng kín, về nhà, chị không dùng nữa. Chị nói: “Dù biết mẹ muốn tốt cho mình nhưng nằm than sau khi sinh là kinh nghiệm từ thời ông bà để lại, không còn phù hợp trong thời đại này. Than nóng lại sinh ra khí CO2, nhà tôi là nhà phố kín mít, bé bị ngạt là đúng rồi. Khi sinh cháu thứ 2, tôi không nằm than nữa nhưng vẫn chú ý kiêng cữ, giữ gìn sức khỏe theo lời khuyên của mẹ để mau hồi phục”.
Câu chuyện của chị Tú không phải hiếm trong thời đại ngày nay, nhất là các gia đình nhiều thế hệ sống chung. Ông bà, cha mẹ lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm, những người trẻ thì tìm hiểu thông tin từ sách vở, Internet nên đôi khi không tìm được “tiếng nói chung” trong việc chăm sóc bé. Tùy từng trường hợp cụ thể và điều kiện riêng mà mỗi gia đình có cách lựa chọn khác nhau trong việc chăm nom và giáo dục trẻ. Việc áp dụng kinh nghiệm truyền thống hay kiến thức hiện đại tùy sự thỏa thuận của các thành viên.
Như trường hợp gia đình chị Tú, kinh nghiệm của “ông bà xưa” đã không còn phù hợp trong thời đại mới. Tuy nhiên, không phải kinh nghiệm nào cũng không còn phù hợp và kiến thức mới nào cũng đúng. Không ít bà mẹ trẻ dở khóc, dở cười khi chăm con theo phương pháp mới một cách “cuồng tín”, thiếu cân nhắc như tuyệt đối không cho trẻ uống sữa động vật hay tuyệt đối không tiêm vắc-xin cho trẻ vì sợ tác dụng phụ,... Điều đó là hết sức nguy hiểm!
Tốt nhất là sự dung hòa
Xã hội vẫn luôn xem trọng những gia đình nhiều thế hệ. Trong đó, kinh nghiệm sống của ông bà là điều quý giá để duy trì các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt. Tuy nhiên, để lựa chọn được những kinh nghiệm quý báu, kết hợp với kiến thức khoa học mới, đúng đắn thì cần có sự lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên. Bởi, mục tiêu chung vẫn là xây dựng gia đình đầm ấm, tạo môi trường phát triển tốt nhất cho con trẻ.
Như chị Tú, sau sự việc xảy ra, chị vẫn tôn trọng những hướng dẫn của mẹ mình trong việc ở cữ và chăm sóc con nhỏ. Tuy nhiên, chị cũng tham khảo ý kiến của bác sĩ, đọc thêm sách về chăm sóc con để biết những kinh nghiệm nào không còn phù hợp. Chị nói: “Khi tôi đi làm, mẹ là người chăm sóc chính cho cháu nên tôi luôn cố gắng dung hòa mọi việc. Sau sự việc xảy ra khi tôi ở cữ lần đầu, mẹ tôi cũng hiểu có những kinh nghiệm không còn phù hợp nên sẵn sàng lắng nghe và làm theo phương pháp mới”.
Đối với gia đình bà Trần Thị Ngọc Dung, ngụ thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, việc chăm sóc cháu nhỏ trong nhà đều do một tay bà đảm nhận. Bà Dung kể: “Các con tôi đều bận đi làm suốt ngày nên các cháu ở nhà tôi nhận phần chăm sóc, từ ăn uống đến dạy bảo. Mình lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm nhưng không phải kinh nghiệm cũng nào còn phù phợp nên tôi nuôi dạy cháu theo phương pháp mới bây giờ, quan trọng nhất là lời khuyên của bác sĩ, không áp dụng kinh nghiệm dân gian như trước nữa”.
Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cũ và mới, bà Dung gần như không còn băn khoăn trong việc chăm sóc và giáo dục cháu.
Để biết cách chăm sóc cháu tốt nhất, từ khi con dâu mới mang thai, bà đã đồng hành cùng con, theo học các lớp cho cha mẹ trẻ do bệnh viện tổ chức và lắng nghe ý kiến bác sĩ. Dù lớn tuổi nhưng bà vẫn học cách sử dụng Internet để tìm hiểu thêm kiến thức, kết hợp với kinh nghiệm của bản thân nên gần như không băn khoăn giữa “cũ và mới” trong việc chăm sóc và giáo dục cháu.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai thời gian gần đây cũng khẳng định vai trò, kinh nghiệm của ông bà đối với việc giáo dục con cháu: “Với sự từng trải của mình, những người làm ông bà hoàn toàn có thể tự mình ứng xử một cách êm thấm trong nhiều hoàn cảnh của cuộc sống. Tuy nhiên, mỗi thời đại có yêu cầu, đòi hỏi khác nhau. Vì vậy, để trở thành ông bà tốt không phải dễ”.
Áp dụng phương pháp nuôi dạy trẻ theo kiểu truyền thống hay hiện đại đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, quan trọng là mỗi gia đình biết dung hòa, tìm ra sự tương đồng giữa kinh nghiệm và khoa học. Bởi lẽ, kinh nghiệm của ông bà chính là sự đúc kết từ thực tế cuộc sống mà người trẻ chưa từng có cơ hội trải qua./.
Hoàng Thúy