Tiếng Việt | English

07/12/2019 - 09:25

Chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng biên

Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, các đồn biên phòng (ĐBP) đóng quân trên địa bàn tỉnh Long An thực hiện nhiều chương trình, mô hình thiết thực nhằm hỗ trợ học sinh (HS) vùng biên có hoàn cảnh khó khăn như Nâng bước em tới trường, Con nuôi ĐBP, Lớp học phổ cập giáo dục tiểu học,... Đây là điểm tựa giúp các em nuôi dưỡng ước mơ đến trường.

Lớp học tình thương của những “thầy giáo quân hàm xanh”

Lớp học tình thương của những “thầy giáo quân hàm xanh”

Lớp học tình thương nơi biên giới

ĐBP Tuyên Bình đóng quân trên địa bàn xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, quản lý, bảo vệ 0,6km đường biên giới và phụ trách địa bàn 1 xã nội biên. Đây là địa phương có nhiều hộ Việt kiều Campuchia mới về sinh sống, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, hầu hết không biết chữ, nhất là trẻ em. Điều này tác động không nhỏ đến việc triển khai các nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng nền biên phòng toàn dân. Với nhiệm vụ tham gia xây dựng địa bàn biên giới nói chung và nông thôn mới nói riêng, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy đồn chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, tiêu biểu là mô hình Lớp học phổ cập giáo dục tiểu học cho con em Việt kiều Campuchia do ĐBP Tuyên Bình trực tiếp phụ trách. Từ năm 2012 đến nay, đồn vận động, tổ chức nhiều lớp học phổ cập giáo dục tiểu học cho con em Việt kiều Campuchia sinh sống trên địa bàn.

Để việc tổ chức lớp học phù hợp tình hình thực tế, đơn vị cử tổ công tác địa bàn phối hợp các ban, ngành, đoàn thể xã đến từng hộ gia đình nắm tình hình, nguyện vọng của người dân; tổ chức họp phụ huynh để thống nhất biện pháp tổ chức thực hiện. Đồng thời, thống nhất với địa phương về địa điểm, thời gian tổ chức lớp học. Đơn vị chọn, phân công 1 sĩ quan phụ trách và 3 chiến sĩ trực tiếp giảng dạy 48 HS từ lớp 1 đến lớp 5.

Những gia đình Việt kiều Campuchia hồi hương không có quốc tịch, không đất canh tác, không biết chữ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Con, em họ ban ngày bận mưu sinh, tối đến lớp học tình thương được tổ chức tại Trường TH&THCS Tuyên Bình (điểm ấp Bình Châu, xã Tuyên Bình). Theo binh nhất Mạc Văn Nhân, ngoài việc dạy chữ, những “thầy giáo quân hàm xanh” còn dạy các em kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, giúp các em trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Tham gia lớp học, giai đoạn đầu, các em được học chương trình phổ cập lớp 1. Sau đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Hưng tổ chức cho các em thi lên lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5. Những HS đạt điểm quy định được lên lớp, số không đạt thì tiếp tục học lại chương trình. Đến nay, ĐBP Tuyên Bình tổ chức được 5 lớp với 52 HS (trong đó, lớp 1 có 38 HS, lớp 2 có 3 HS, lớp 3 có 1 HS, lớp 4 có 8 HS và lớp 5 có 2 HS).

Chương trình Nâng bước em tới trường được Đồn Biên phòng Bến Phố triển khai hiệu quả

Chương trình Nâng bước em tới trường được Đồn Biên phòng Bến Phố triển khai hiệu quả

Điểm tựa cho học sinh vùng biên 

Thời gian qua, ĐBP Bến Phố (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) triển khai nhiều chương trình, mô hình thiết thực nhằm hỗ trợ HS vùng biên có hoàn cảnh khó khăn như Nâng bước em tới trường, Con nuôi ĐBP,... Đại úy Nguyễn Hữu Trí - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên ĐBP Bến Phố, thông tin: “Thực hiện chương trình Nâng bước em tới trường, đơn vị phối hợp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể 2 xã Khánh Hưng và Hưng Điền A trao học bổng đầu năm học 2019-2020 cho 4 HS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với số tiền 24 triệu đồng. Bên cạnh đó, đơn vị còn tặng 2 triệu đồng tiền mặt và 100 quyển tập cho 4 trường học trên địa bàn nhân dịp khai giảng năm học mới và nhận đỡ đầu 4 HS nước bạn”. Từ đầu năm 2019 đến nay, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Bến Phố quyên góp Quỹ Nâng bước em tới trường được 31,3 triệu đồng. Thông qua đó, nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn được tiếp thêm động lực đến trường. Các em được hỗ trợ đến khi hoàn thành chương trình lớp 12.

Chương trình Nâng bước em tới trường được Đồn Biên phòng Bến Phố triển khai hiệu quả

Bên cạnh chương trình Nâng bước em tới trường, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng còn phát động mô hình Con nuôi ĐBP. Theo đó, ĐBP Bến Phố phối hợp cấp ủy, chính quyền xã Hưng Điền A và gia đình chị Lê Thị Mộng hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục nhận nuôi em Nguyễn Minh Phát (SN 2013, con của chị Mộng). Ngoài kinh phí hỗ trợ (500.000 đồng/tháng), ĐBP Bến Phố còn phân công cán bộ đến thăm, hỏi, hỗ trợ Minh Phát. Chia sẻ với những khó khăn của Minh Phát, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đều lo lắng và xem em như con ruột của mình. “Các chương trình, mô hình hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn vùng biên mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì vậy, tập thể cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị đoàn kết, chung sức, đồng lòng nêu cao tinh thần tương thân, tương ái tích cực hưởng ứng” - Đại úy Nguyễn Hữu Trí cho biết thêm.

Tuy mức hỗ trợ thường xuyên không nhiều nhưng những phần quà này kịp thời giúp đỡ, động viên các em HS có thêm động lực vượt khó, vươn lên trong học tập. Điều đáng trân trọng hơn là nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, mô hình này đều do cán bộ, chiến sĩ tự nguyện trích ra từ một phần tiền lương, phụ cấp của mình. Qua đó, giúp các em có điều kiện đến trường, thắt chặt thêm tình quân - dân nơi biên giới./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết