Tiếng Việt | English

09/01/2025 - 15:19

Châu Thành: Công bố Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam  

Sáng 09/01, UBND huyện Châu Thành, tỉnh Long An tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam và thành lập Ban Quản lý Cây Di sản “Cây me ấp 2, xã Phước Tân Hưng”. Cây me này được người dân địa phương gọi là "Cây me Bà Giản".

Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Long An trao Quyết định và Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam “Cây Me ấp 2, xã Phước Tân Hưng”

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Lộc - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh Trung ương, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Long An trao Quyết định và Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam của Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho Ban Quản lý Cây Di sản “Cây me ấp 2, xã Phước Tân Hưng”.

Ông Lương Văn Thông, 73 tuổi, ngụ ấp 2, xã Phước Tân Hưng, cho biết, bà nội ông (sinh năm 1888) kể lại rằng, khi bà lớn lên, cây me này đã tồn tại. Điều đó cho thấy cây me Bà Giản có tuổi đời rất cao và đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, bao gồm thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Long An và lãnh đạo xã Phước Tân Hưng mở băng đá công nhận cây me Bà Giản là Cây Di sản Việt Nam

Cùng ngày, UBND huyện Châu Thành tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận 1 cây đa sộp (Ficus superba Miq.) và 1 cây me (Tamarindus indica L.) tại đình Bình Lục, ấp 2, xã Phước Tân Hưng là Cây Di sản Việt Nam.

Hai cây này với tuổi đời hơn 200 năm, không chỉ đáp ứng các tiêu chí của Cây Di sản Việt Nam mà còn mang giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan, là những chứng nhân lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Mở băng đá công nhận cây đa sộp tại đình Bình Lục, ấp 2, xã Phước Tân Hưng là Cây Di sản Việt Nam

Tại buổi lễ, UBND huyện Châu Thành cũng công bố quyết định thành lập Ban Quản lý Cây Di sản, gồm 9 thành viên. 

Nhân dịp này, Hội Doanh nghiệp trẻ huyện Cần Giuộc trao tặng xã Phước Tân Hưng số tiền 50 triệu đồng.

Những cây cổ thụ không chỉ là chứng nhân lịch sử, văn hóa của dân tộc, mà còn góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học. Việc bảo tồn Cây Di sản Việt Nam không chỉ mang lại giá trị môi trường mà còn là biểu tượng kết nối truyền thống văn hóa của đất nước./.

Minh Trực

Chia sẻ bài viết