Tiếng Việt | English

15/05/2022 - 08:12

Chiến tranh Nga-Ukraine có thể kết thúc với hiệp định tương tự chiến tranh Triều Tiên?

Một số nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến Nga –Ukraine có thể kết thúc bằng một hiệp định đình chiến tương tự như chiến tranh Triều Tiên.

Kịch bản tương tự như Chiến tranh Triều Tiên

Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào tháng 7/1953 sau khi hiệp định đình chiến được ký giữa đại diện của Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc tại Bàn Môn Điếm. Thỏa thuận này tạo ra khu phi quân sự liên Triều (DMZ) để ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc, đồng thời cho phép 2 bên tiến hành trao trả tù binh. Tuy nhiên, đây không phải hiệp ước hòa bình, nên về nguyên tắc, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.


Người dân Ukraine đứng bên ngoài một tòa nhà bị hư hại ở Mariupol. Ảnh: AP

Một số nhà phân tích dự đoán, chiến tranh Nga-Ukraine có thể kết thúc bằng một hiệp định đình chiến tương tự. Hồi cuối tháng 2 vừa qua, Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa” Ukraine, “giải phóng” cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine và hỗ trợ các nước cộng hòa tự xưng tại khu vực Donbass. Thế nhưng đến nay, cuộc chiến dường như đang rơi vào bế tắc khi Moscow vẫn chưa hài lòng với các mục tiêu đề ra, còn Ukraine đang đẩy mạnh chiến dịch phản công và kêu gọi viện trợ vũ khí từ phương Tây.

Mặc dù Mỹ không điều động lực lượng tham chiến trực tiếp như trong Chiến tranh Triều Tiên, nhưng việc nước này và các đồng minh châu Âu liên tiếp tung đòn trừng phạt Nga cũng như dồn dập chuyển giao vũ khí cho Ukraine là một trong những nguyên nhân khiến xung đột leo thang.

Cộng đồng quốc tế đã kêu gọi cả Nga và Ukraine nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn nhằm tạo điều kiện cho các cuộc hòa đàm để chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 tháng. Hứng chịu tổn thất to lớn về người và của, nhiều nhà phân tích cho rằng, hai bên có thể thống nhất một thỏa thuận đình chiến tương tự như trong Chiến tranh Triều Tiên.

Một hiệp định đình chiến như vậy có thể phân chia lãnh thổ của Ukraine, trong đó, toàn bộ phần phía Đông sẽ nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền phe ly khai do Nga hậu thuẫn. Ngay cả khi Mỹ và cộng đồng quốc tế kết luận rằng một hiệp định đình chiến là “kết quả ít tồi tệ nhất”, liệu họ có thể thuyết phục Ukraine chấp nhập một lệnh ngừng bắn giống như Hàn Quốc từng làm hay không?

Ông Jong Eun Lee – cựu sỹ quan tình báo của Lực lượng Không quân Hàn Quốc lưu ý, để trả lời câu hỏi này cần phải so sánh phản ứng trước và sau của Hàn Quốc thời điểm đó. Hàn Quốc liên tục phản đối và không tham gia ký hiệp định, do Tổng thống nước này, khi đó là ông Syngman Rhee từ chối chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào chia cắt Bán đảo Triều Tiên. Nhưng Mỹ cuối cùng đã thuyết phục Seoul đồng ý sau khi chấp nhận 2 yêu cầu mà nước này đưa ra.

Chính phủ Ukraine hiện giờ cũng phản đối một hiệp định đình chiến, trong đó duy trì một ranh giới ngừng bắn trên lãnh thổ của nước này. Trong trường hợp Ukraine chấp nhận một hiệp định như vậy, họ có thể sẽ đưa ra những yêu cầu tương tự như của Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên.

Trong cuộc đàm phán về hiệp định đình chiến, Tổng thống Hàn Quốc Syngman Rhee khi đó đã đưa ra hai yêu cầu cốt lõi của chính phủ của ông. Trước tiên, Mỹ phải phê chuẩn hiệp ước phòng thủ chung với Hàn Quốc. Tiếp đến, nếu các cuộc đàm phán hậu đình chiến không đạt được kết quả là hợp nhất hai miền Triều Tiên, Mỹ cần hỗ trợ hoạt động quân sự “tiến lên phía bắc” của Hàn Quốc để thống nhất Bán đảo Triều Tiên.

Đáp ứng các điều kiện của Ukraine sẽ là thách thức lớn

Dựa vào những đề xuất mà các nhà đàm phán Ukraine đưa ra, các điều kiện của chính phủ Ukraine đối với một hiệp định đình chiến có thể tương tự như Hàn Quốc: đảm bảo an ninh lâu dài và một giải pháp chính trị để khôi phục quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của họ.

Để đổi lấy việc rút lại yêu cầu gia nhập NATO và chấp nhận quy chế trung lập, các nhà đàm phán của Ukraine đã yêu cầu có sự đảm bảo an ninh đa phương từ những nước như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel nếu Ukraine bị tấn công trong tương lai. Ukraine đã đề xuất khung thời gian đàm phán kéo dài 15 năm liên quan đến các một số vùng lãnh thổ đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga chẳng hạn như Crimea, cam kết không sử dụng vũ lực để giành lại các vùng lãnh thổ đó trong khung thời gian này.


Phái đoàn Nga (phải) và Ukraine trong vòng đàm phán thứ ba tại Belarus ngày 7/3. Ảnh: Bộ Ngoại giao Belarus.

Nếu không có những cam kết về các điều kiện an ninh và chính trị này, rất khó mong đợi Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ ký kết hiệp định đình chiến. Mặc dù nhà lãnh đạo Ukraine cho biết sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của Nga đối với quy chế trung lập của Ukraine, nhưng ông cũng tuyên bố rằng điều đó cần phải đi kèm với cam kết của phương Tây và quốc tế nhằm đảm bảo an ninh cho Ukraine trong tương lai. Hơn nữa, việc phê chuẩn hiệp định đình chiến cần phải được đưa ra trưng cầu ý dân.

Việc đáp ứng các điều kiện của Ukraine sẽ là một thách thức lớn. Nếu phương Tây cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine thì điều này có thể trái với yêu cầu của Nga về quy chế không liên kết đối với Ukraine. Các nhà đàm phán Nga đã yêu cầu Ukraine công nhận việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea và nền độc lập của hai chính quyền ly khai thân Nga tại Donbass và Lugansk. Đối với Moscow, để chấp nhận hiệp định đình chiến, sự công nhận của Ukraine và của quốc tế về quyền kiểm soát của nước này đối với những vùng lãnh thổ nói trên có thể là điều cần thiết.

Về phía Mỹ, Washington dường như có ít đòn bẩy để thuyết phục Ukraine hơn so với Hàn Quốc. Mặc dù Mỹ cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine và dẫn đầu các lệnh trừng phạt chống lại Nga, nhưng cả lực lượng Mỹ và NATO đều không trực tiếp tham chiến ở Ukraine.

Chiến tranh Triều Tiên đã kéo dài 3 năm trước khi Hàn Quốc và Triều Tiên ký kết hiệp định đình chiến. Sau hơn 70 năm, hiệp định này vẫn có hiệu lực đối với một Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt. Nhiều người tin rằng, thời gian giao tranh kéo dài gần 3 tháng có thể vẫn chưa đủ để cả Ukraine và Nga tin rằng một hiệp định đình chiến sẽ phù họp.

Một số nhà chính trị phương Tây có thể ủng hộ Ukraine tiếp tục chiến đấu với Nga để buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công của nước này. Còn những người ủng hộ hiệp định có lo ngại chính đáng khi họ tìm cách chấm dứt xung đột. Họ hiểu rõ rằng nếu chiến tranh kéo dài, nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp của phương Tây với Nga có thể tăng lên, khiến xung đột lan sang các khu vực khác của châu Âu. Bên cạnh đó, cuộc chiến có thể làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng lương thực và kinh tế trên thế giới, thậm chí dẫn tới chiến tranh hạt nhân./.

Hồng Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết