Chính sách tiền tệ thời COVID-19: Cần bước đi hết sức cẩn trọng
Nếu các ngân hàng trung ương không có chính sách vĩ mô hiệu quả thì hậu quả nhãn tiền là tình trạng giảm phát do dịch bệnh COVID-19, có thể dẫn tới vỡ nợ và phá sản hàng loạt.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo tại Washington DC., ngày 29/1/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong bối cảnh các thị trường chao đảo do lo ngại ngày càng lớn về tác động của dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đến kinh tế toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương khác đã chung tay hành động, hạ mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, điều đó đã không dừng được đà giảm của các thị trường, cho thấy hạ lãi suất có thể không phải là giải pháp tận gốc cho cuộc khủng hoảng hiện nay, đòi hỏi các ngân hàng trung ương cần có những bước đi hết sức cẩn trọng trong thời gian tới.
Các ngân hàng trung ương khẩn cấp hành động
Nhằm ứng phó tác động của dịch COVID-19 tới nền kinh tế Mỹ, Fed ngày 3/3 đã hạ lãi suất khẩn cấp 0,5 điểm phần trăm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2018.
Đây là lần đầu tiên Fed quyết định hạ lãi suất không phải sau cuộc họp chính thức kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và là lần giảm lãi suất khẩn cấp thứ năm trong vòng 50 năm qua.
Tiếp đó, ngày 15/3, Fed thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan ra nhiều bang tại Mỹ.
Theo đó, Fed hạ lãi suất một điểm phần trăm xuống biên độ mục tiêu 0-0,25%, trước lo ngại dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong thời gian tới và gây rủi ro cho triển vọng kinh tế.
Sau động thái của Fed, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 11/3 đã bất ngờ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản xuống mức 0,25% nhằm thúc đẩy nền kinh tế nước này.
Đây là lần đầu tiên BoE quyết định giảm lãi suất kể từ tháng 8/2016.
Theo BoE, dù mức độ tổn hại từ cú sốc kinh tế do dịch COVID-19 gây ra là chưa rõ ràng, nhưng hoạt động kinh tế tại Anh có thể suy giảm trong vòng vài tháng tới.
Tại một cuộc họp đặc biệt của Ủy ban chính sách tiền tệ ngày 19/3, BoE tiếp tục thông báo cắt giảm lãi suất từ 0,25% xuống còn 0,1%, đồng thời tăng cường thu mua trái phiếu trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
BoE dự báo dịch sẽ dẫn tới cú sốc kinh tế "lớn và đột ngột."
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 16/3 đã bất ngờ hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống mức thấp kỷ lục 0,75%, chung tay cùng các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu giúp giảm thiểu tác động do dịch COVID-19 gây ra và bất ổn tài chính.
Đây là lần hạ lãi suất khẩn cấp đầu tiên của BoK trong hơn 10 năm qua.
Tại Canada, Ngân hàng trung ương nước này ngày 13/3 đã thông báo hạ lãi suất chủ chốt thêm 50 điểm cơ bản, xuống 0,75%.
Ngày 27/3, ngân hàng này tiếp tục thông báo hạ lãi suất chủ chốt xuống 0,25%.
Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ New Zealand, ngày 16/3, thông báo hạ lãi suất 75 điểm cơ bản, xuống 0,25%.
Ngân hàng Dự trữ Australia, ngày 19/3, chính thức cắt giảm lãi suất cơ bản từ 0,5% xuống còn 0,25%, mức thấp nhất trong lịch sử của nước này.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ ngày 27/3 hạ lãi suất chủ chốt từ mức 5,15% xuống 4,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2010.
Nhiều ngân hàng trung ương các nước khác cũng đã hạ lãi suất để đối phó với tác động của dịch.
Bảng chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 18/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chưa thể trấn an các nhà đầu tư
Tuy nhiên, tác động tức thì từ quyết định hạ lãi suất vào ngày 3/3 của Fed dường như đi ngược lại với mong muốn, khi các nhà đầu tư đổ xô mua vào các tài sản an toàn, khiến lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ xuống thấp kỷ lục, trong khi thị trường chứng khoán để mất gần như toàn bộ đà tăng trong phiên 2/3.
Chỉ số Dow Jones phiên 3/3 mất gần 3%, tương đương 800 điểm, xóa bỏ gần như toàn bộ số điểm tăng trong phiên trước, khi chỉ số này tăng tới gần 1.300 điểm và tăng mạnh nhất tính theo tỷ lệ phần trăm kể từ năm 2009.
Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên giảm xuống dưới 1%.
Sau động thái hạ lãi suất xuống gần 0% của Fed vào ngày 15/3, các sàn chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống khi mở cửa phiên 16/3, trong đó chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,92%, tương đương 159,97 điểm, xuống còn 17.271,08 điểm.
Điều này cho thấy nỗi lo của nhà đầu tư về khả năng dịch COVID-19 sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn so với dự đoán ban đầu.
Phản ứng của thị trường dường như cho thấy những lo ngại của các nhà kinh tế là có lý, khi họ cho rằng động thái hạ lãi suất của Fed đi quá xa.
Thay vì giúp các nhà đầu tư trên toàn cầu bình tâm, Fed lại khiến họ hoảng loạn bởi xem đó là dấu hiệu cho thấy cơ quan này dự kiến về một cuộc suy thoái.
Theo bà Selena Ling, người đứng đầu mảng nghiên cứu và chiến lược tại Ngân hàng OCBC, Fed và các ngân hàng trung ương khác càng tiến hành những biện pháp chưa từng có, các nhà đầu tư càng lo lắng và cho rằng giới chức biết điều gì đó mà họ thì không.
Nỗi sợ hãi vẫn là mấu chốt của vấn đề khi các nhà đầu tư vẫn không tin rằng chính sách tiền tệ nới lỏng và việc “bơm” thêm thanh khoản sẽ giải quyết một cuộc khủng hoảng có vấn đề cốt lõi là y tế.
Khác với những cú sốc từ bên trong như một cuộc khủng hoảng tài chính mà các ngân hàng trung ương có thể ứng phó tốt, dịch COVID-19 là một cú sốc ngoại sinh, ảnh hưởng chủ yếu đến năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Giới phân tích cho rằng việc "bơm" một lượng tiền lớn vào nền kinh tế khi hoạt động sản xuất đình trệ do các yếu tố ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương sẽ khó đem lại hiệu quả, trái lại sẽ khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao hơn.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới trung tâm y tế ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 28/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cần những bước đi hết sức cẩn trọng
Các nhà đầu tư, nhà kinh tế và các chiến lược gia ngành ngân hàng cho rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tăng cường hỗ trợ trong những ngày tới đối với cả các thị trường và nền kinh tế, khi các doanh nghiệp mất khách hàng và người lao động mất việc làm.
Tuy nhiên, hiệu quả của sự can thiệp đến đâu còn là điều chưa rõ.
Trước khi các nhà đầu tư có thể bình tĩnh, giới quan sát cho rằng họ cần chứng kiến số ca lây nhiễm mới đạt đỉnh, năng lực ứng phó của các bệnh viện với số lượng lớn bệnh nhân được cải thiện và các biện pháp cách ly, cấm đi lại và những hạn chế khác vốn đang làm tê liệt các hoạt động kinh tế có khả năng được dỡ bỏ.
Vẫn có những giải pháp mà các ngân hàng trung ương có thể sử dụng một cách hiệu quả để hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế từ những cú sốc bên ngoài như dịch COVID-19 hiện nay, trong đó có hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp bị gián đoạn nguồn cung tạm thời.
Các ngân hàng trung ương có thể bù đắp cho sự gián đoạn tạm thời của dòng tài chính, song không thể ngăn chặn một cú sốc gây ra những thiệt hại lâu dài, hoặc đi sau để khắc phục thiệt hại. Trách nhiệm đó thuộc về chính phủ.
Dịch COVID-19 đang tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Đại học Chicago, hầu hết các chuyên gia kinh tế ở Mỹ và châu Âu đều dự đoán sẽ xảy ra suy thoái do COVID-19.
Theo cuộc khảo sát ý kiến của 74 chuyên gia kinh tế, 62% số chuyên gia Mỹ và 82% số chuyên gia châu Âu cho rằng có khả năng sẽ xảy ra một đợt suy thoái.
Giờ đây, sức ép mà các nhà hoạch định chính sách cũng như các ngân hàng trung ương phải đối mặt lớn hơn nhiều và sẽ còn lớn hơn nữa nếu như nền kinh tế toàn cầu chính thức bước vào giai đoạn suy thoái do sản xuất ngừng trệ.
Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, nếu không có chính sách vĩ mô phù hợp và hiệu quả thì hậu quả nhãn tiền là tình trạng giảm phát.
Và khi giảm phát đồng nghĩa với giảm cầu thì giá tài sản sẽ bị đẩy xuống thấp hơn, có thể dẫn tới hậu quả vỡ nợ và phá sản hàng loạt.
Triển vọng tới mức ảm đạm như vậy sẽ buộc Fed sẽ phải nhanh chóng có những bước đi về chính sách tài chính, tiền tệ hết sức cẩn trọng, nhưng phải rất sáng tạo mới có thể vượt qua được giai đoạn này./.
Theo TTXVN
- Nga xóa nợ cho tân binh tham chiến trong xung đột với Ukraine (24/11)
- Nga phản ứng trước việc Pháp cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ (24/11)
- Nga đẩy lùi lực lượng quân đội Ukraine khỏi 40% lãnh thổ tỉnh Kursk (24/11)
- Quan hệ Việt Nam - Malaysia phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới (23/11)
- Việt Nam luôn coi thành tựu của Campuchia là nguồn cổ vũ to lớn (23/11)
- Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump công bố loạt đề cử nhân sự mới (23/11)
- Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam ưu tiên củng cố, tăng cường quan hệ với Campuchia (23/11)
- Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h (23/11)