Diễu hành tuyên truyền các thông điệp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Ngọc Mận
Khó khăn trong xử lý ổ dịch
Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh phối hợp các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh truyền thông giúp người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chị Lê Thị Huỳnh Như (phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “Để phòng bệnh SXH thì nhà ở và môi trường xung quanh phải thoáng mát, sạch sẽ. Ngoài thay nước bình hoa thường xuyên, gia đình tôi còn phòng, tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ mùng (kể cả ban ngày), sử dụng kem thoa da chống muỗi, nhang trừ muỗi”.
Tuy nhiên, công tác xử lý ổ dịch gặp khó khăn ở những khu, cụm công nghiệp có nhiều nhà trọ vì công nhân đi làm nên không thể phun thuốc diệt muỗi từng phòng trọ. Cán bộ phụ trách chương trình SXH tuyến huyện, xã kiêm nhiệm nhiều chương trình và thay đổi người liên tục nên chưa có kinh nghiệm trong công tác chống dịch. Hệ điều trị chưa quan tâm đến việc lấy mẫu xét nghiệm vi-rút huyết thanh trong công tác phòng, chống SXH. Nhân lực thực hiện phun hóa chất diệt muỗi còn hạn chế. Một số UBND xã chưa quan tâm hỗ trợ kịp thời trong tác phòng, chống dịch, còn xem đó là trách nhiệm của ngành Y tế.
Đại biểu thảo luận các giải pháp phòng, chống dịch bệnh
Tại huyện Đức Hòa, số ca mắc SXH tuy có giảm 60% so cùng kỳ năm 2019 nhưng một số xã có ca mắc vượt đường cong chuẩn dự báo dịch và có liên tiếp 3 ổ dịch nhỏ/ấp/14 ngày. Cụ thể như ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ; khu vực 3, khu vực 4 và khu vực 5, thị trấn Đức Hòa. Nguyên nhân, dân số đông, địa bàn có khu, cụm công nghiệp nên dân nhập cư đông và chủ yếu đi làm công nhân nên ngành Y tế gặp khó khăn trong tiếp cận tuyên truyền và xử lý ổ dịch. Một bộ phận người dân chưa quan tâm đến công tác phòng, chống dịch. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa - Lê Văn Xành cho biết: “Trước tình hình trên, ngành Y tế tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, vãng gia, họp dân nhằm nâng cao ý thức chung tay của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời củng cố hoạt động đội phản ứng nhanh tuyến huyện và xã; phối hợp ban, ngành, đoàn thể xã, ấp thực hiện vãng gia, giám sát lăng quăng thường xuyên”.
Chủ động phòng, chống
Theo chu kỳ hàng năm, đỉnh dịch SXH từ tháng 9 đến tháng 11. Do đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch. Ngay từ đầu năm 2020, Trung tâm Y tế TP.Tân An chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch phòng, chống dịch; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội, UBND xã, phường đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh SXH. Công tác truyền thông trực tiếp và gián tiếp được tăng cường.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh
Tính đến đầu tháng 9/2020, toàn tỉnh ghi nhận trên 1.450 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm trên 64% so cùng kỳ năm 2019, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các huyện có số ca mắc cao: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An. |
Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tân An - Lê Văn Tuấn cho biết: “Lãnh đạo trung tâm trực tiếp kiểm tra hoạt động phòng dịch tại địa bàn có số ca mắc cao; trao đổi với Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân xã, phường nhằm thống nhất đưa ra các biện pháp cụ thể; đồng thời, phân công cán bộ giám sát côn trùng thường xuyên tại phường điểm và những nơi ghi nhận ca mắc cao (phường 3, phường 4, phường Khánh Hậu và xã Bình Tâm). Chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường được thực hiện 3 đợt tại các xã, phường có số ca mắc cao. Trung tâm xử lý 40/41 ổ dịch bằng biện pháp diệt lăng quăng và phun hóa chất. Nhờ đó, dịch bệnh được khống chế, không xảy ra ổ dịch lớn”.
Bên cạnh đó, bệnh sốt Chikungunya đang lây lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành tại Campuchia, trong đó có một số tỉnh giáp biên giới với Việt Nam nói chung và Long An nói riêng. Thời gian qua, ngành Y tế phối hợp lực lượng chức năng tại các xã giáp với biên giới Campuchia đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp người dân thực hiện tốt công tác phòng ngừa bệnh. Ngoài tuyên truyền người dân diệt muỗi, lăng quăng, vệ sinh môi trường, cán bộ, chiến sĩ phụ trách các địa bàn thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện qua lại biên giới, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 cũng như bệnh Chikungunya.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng, người mắc bệnh Chikungunya có biểu hiện lâm sàng gần giống với bệnh SXH như sốt cao đột ngột 38-39oC, có các nốt xuất huyết dưới da, nhất là ở phần đùi và cẳng tay, người mệt mỏi, một số trường hợp bệnh nhân bị đau cơ, khớp; niêm mạc mắt đỏ, kết mạc sung huyết. Ngoài ra, người mắc bệnh Chikungunya còn có biểu hiện: Đau khớp, đau lưng, đau đầu, phát ban, viêm miệng, loét miệng. Hiếm hơn, bệnh nhân có thể xuất hiện các u máu, biểu bì bọng nước, buồn nôn, đau cơ, gan to, hội chứng não - màng não.
Trước thực trạng một số tỉnh, thành trong cả nước ghi nhận trường hợp mắc SXH tử vong do tự ý truyền dịch tại nhà và đưa đến cơ sở y tế trễ, bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo: “Việc truyền dịch phải được thực hiện tại cơ sở y tế và phải được bác sĩ chỉ định. Người dân không tự ý truyền dịch tại nhà khi chưa được bác sĩ khám chẩn đoán. Do đó, khi có biểu hiện nghi mắc SXH, nên đưa đến cơ sở y tế sớm để được khám chẩn đoán, điều trị kịp thời”.
Muỗi truyền bệnh Chikungunya là muỗi vằn, muỗi này cũng là tác nhân gây bệnh SXH và cả bệnh Zika. Hiện các bệnh này đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, người dân nên chủ động phòng bệnh theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bằng cách diệt lăng quăng/bọ gậy; đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; vệ sinh môi trường;… Mỗi tuần, cần diệt lăng quăng bởi “không có lăng quăng không mắc bệnh SXH”.
Bên cạnh những nỗ lực của ngành Y tế, mỗi người nêu cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh để hạn chế dịch bệnh xảy ra và lây lan trong cộng đồng./.
Cần thay nước bình hoa thường xuyên
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa đề nghị: “Đi đôi với chủ động phòng, chống dịch Covid-19, các sở, ngành, đoàn thể, các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông nhằm giúp người dân nêu cao ý thức, trách nhiệm, chung tay cùng cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Người đứng đầu UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên địa bàn. Ngành Y tế rà soát và cung cấp đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch cho các địa phương; tăng cường đánh giá các yếu tố nguy cơ bùng phát dịch bệnh; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh nhằm xử lý triệt để ổ dịch nhỏ ngay khi phát hiện, không để lây lan trên diện rộng”. |
Ngọc Mận - Huỳnh Hương