Mái nhà dân bị gió lốc cuốn bay ra giữa Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Thủ Thừa
Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Long An đã xảy ra các loại hình thiên tai như mưa lớn, dông lốc, sét đánh, sạt lở, nắng nóng kỷ lục, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài,… trên diện rộng.
Theo đó, UBND tỉnh Long An vừa ban hành Chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức rà soát phương án phòng, chống ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai sát với tình hình thực tế. Tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ, kịp thời nắm bắt thông tin, công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai, các khó khăn, vướng mắc (nếu có) để giải quyết hiệu quả. Xác định các điểm xung yếu, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trước mùa mưa lũ. Chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa và kiểm soát rủi ro thiên tai với phương châm “phòng là chính”.
Triển khai xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, khắc phục sự cố công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai do ngành quản lý, đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão, lũ. Thường xuyên tổ chức, kiểm tra và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và của cả cộng đồng; đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng trực tiếp tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhất là lực lượng tại các vùng thường xuyên ảnh hưởng thiên tai.
Ngoài ra, Chỉ thị cũng yêu cầu bảo đảm mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp nhận, xử lý thông tin trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông suốt trong mọi tình huống. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho cộng đồng.
Kiên cố hóa hệ thống thông tin liên lạc tại các khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra thiên tai, ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc tại các vùng sâu, biên giới, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và thông tin tuyên truyền nhanh chóng hiệu quả.
Rà soát, xác định những khu vực nguy hiểm, xung yếu có khả năng ảnh hưởng thiệt hại khi xảy ra thiên tai, chủ động di dời, sơ tán các hộ dân sống quanh khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Các huyện vùng Đồng Tháp Mười tăng cường kiểm tra và chủ động gia cố hệ thống đê bao, bờ bao lửng để bảo vệ an toàn diện tích sản xuất, đề phòng lũ lớn có thể xảy ra đột biến. Tùy điều kiện thời tiết, thiên tai thực tế để đưa ra các khuyến cáo phù hợp giúp người dân bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Các huyện vùng hạ rà soát, gia cố các tuyến đê bao bảo vệ dân sinh và sản xuất đề phòng triều cường cao gây ngập úng cục bộ từ tháng 10 dương lịch đến cuối năm; phối hợp các sở, ngành và cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ số lượng tàu, thuyền và người dân địa phương có hoạt động đánh bắt thủy hải sản xa bờ. Tổ chức kiểm tra công tác đăng ký, đăng kiểm của tàu cá, tàu vận tải, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cứu sinh, thông tin liên lạc trước khi ra khơi.
Rà soát quản lý các công trình xây dựng dân dụng, giao thông, thủy lợi, đê điều các hệ thống tiêu thoát nước khu dân cư, đô thị, công trình đầu mối,... để phát hiện xử lý kịp thời những khu vực bị hư hỏng, xuống cấp hạn chế tác động do thiên tai.
Dự phòng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng để chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra trong mùa mưa, bão, lũ. Tổ chức rà soát chặt, tỉa, dọn dẹp vệ sinh cây xanh ven đường và tại các công viên thuộc địa bàn quản lý; tháo dỡ các tấm panô, áp phích, biển quảng cáo không đảm bảo an toàn./.
Lê Đức