Bố trí lịch gieo sạ sớm nhằm né hạn, mặn và giảm thiệt hại cho nông dân (Ảnh minh họa)
Lũ nhỏ, mặn xâm nhập sớm và sâu
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đỉnh lũ có khả năng xuất hiện vào giữa tháng 10 tại Tân Châu (An Giang) dao động ở mức 2,8-3,2m, thấp hơn khoảng 0,3-0,7m so với báo động 1 (3,5m), thấp hơn trung bình nhiều năm 0,5-0,9m. Còn tại Châu Đốc (An Giang) dao động ở mức 2,6-2,9m, thấp hơn khoảng 0,1-0,4m so với báo động 1 (3,0m), thấp hơn trung bình hàng năm khoảng 0,4-0,6m. Lũ nội đồng, đỉnh lũ ở mức nhỏ tại vùng thượng từ mức báo động 2 đến báo động 3 và trên báo động 3. Tuy lũ thấp nhưng mưa cuối năm được dự báo ở mức cao hơn trung bình hàng năm. Vì vậy, việc cấp nước cho vụ Thu Đông và cây ăn trái vẫn được bảo đảm; một số nơi ở khu vực cao và ít mưa, chi phí bơm nước trong vụ gia tăng.
Tại Long An, mực nước đầu nguồn đổ về sớm hơn 1 tuần so với năm 2020. Mực nước lũ từ ngày 01/7 đến ngày 06/9/2021 còn ảnh hưởng theo triều, mực nước dao động từ 0,01-0,23m, so cùng kỳ năm 2020 cao hơn từ 0,01-0,80m. Riêng trạm Tân Hưng thấp hơn từ 0,01-0,48 m, so cùng kỳ năm 2011 thấp hơn từ 0,03-1,57m. Trạm Vĩnh Hưng từ ngày 11/7 đến ngày 01/8 cao hơn từ 0,01-0,28m, so cùng kỳ năm 2000 thấp hơn từ 0,09-1,91m.
Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 ở mức sớm và sâu hơn so với trung bình hàng năm, khả năng ở mức tương đương mùa khô năm 2020-2021. Cụ thể nhận định diễn biến xâm nhập mặn tại các cửa sông như vùng các cửa sông Cửu Long vào tháng 11 đến tháng 12/2021, ranh mặn 4g/l ở mức 20-30km, chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi; tháng 01 đến tháng 02-2022, ranh mặn 4g/l, vào sâu 50-70km, cao hơn 7-15km so trung bình hàng năm, thấp hơn năm 2020 từ 8-20km nhưng phạm vi ảnh hưởng dự kiến vượt qua các công trình kiểm soát mặn, nhất là các kỳ triều cường kết hợp gió mạnh; tháng 3 tùy thuộc vào lượng nước điều tiết từ các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mê Kông, trường hợp nguồn nước tăng như một số năm gần đây thì xâm nhập mặn sẽ giảm, còn trường hợp nguồn nước không tăng, xâm nhập mặn tiếp tục ở mức như tháng 02-2021.
Vùng 2 sông Vàm Cỏ: Tháng 01 đến tháng 12/2021, ranh mặn 4g/l ở mức 30-40km, chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi; tháng 01 đến tháng 02-2022, ranh mặn 4g/l, vào sâu từ 60-65km, cao hơn 5-10km so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2020 15-20km, nguồn nước ngọt vẫn còn thuận lợi ở các vùng từ dưới TP.Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây khoảng 10km và dưới Bến Lức 5-7km trên sông Vàm Cỏ Đông vào kỳ triều cường thấp; tháng 3, ranh mặn 4g/l có thể lên đến 80-85km, cao hơn 5-10km so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2020 10-20km. Ở vùng ven biển Tây trên sông Cái Lớn: Xâm nhập mặn phụ thuộc vào vận hành cống Cái Lớn - Cái Bè.
Chủ động nhiều giải pháp
Thiệt hại trong mùa khô năm 2020-2021 thấp hơn nhiều so với các mùa hạn, mặn trước nhờ tỉnh chủ động các giải pháp phòng, chống và ứng phó với hạn, mặn ngay từ đầu. Trước dự báo về tình hình lũ thấp, hạn, xâm nhập mặn đến sớm và sâu vào mùa khô 2021-2022, các ngành chức năng chủ động đưa ra nhiều giải pháp để phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ vùng lúa và cây ăn trái cũng như bảo đảm nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin: Hiện nay, ngành Nông nghiệp đã ban hành lịch gieo sạ vụ Đông Xuân 2021-2022 cho từng vùng, đợt 1: Từ ngày 15 đến 23/10/2021 (các huyện phía Bắc, vùng gò biên giới và một số xã thuộc huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và TP Tân An); đợt 2 từ ngày 13 đến 28/11/2021 (các huyện vùng đất trung bình, vùng có đê bao, các xã chủ động nguồn nước ở các huyện phía Nam); đợt 3 từ ngày 13 đến 25/12/2021 (các huyện vùng trũng thuộc Đồng Tháp Mười đê bao chưa khép kín). Ngoài ra, các ngành chức năng cũng khuyến cáo nông dân sử dụng các loại giống có chất lượng cao, có khả năng chống chịu hạn, mặn tốt; áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”,…
Bên cạnh chủ động xuống giống sớm lúa Đông Xuân, các cấp, các ngành còn có kế hoạch triển khai sớm việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình kiểm soát mặn, hệ thống ống dẫn nước ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích nước, trữ ngọt cũng như các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước ngọt khi vào cao điểm mùa khô,...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền chia sẻ: “Thời gian tới, ngành Nông nghiệp yêu cầu các cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước; tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn đến người dân; vận động người dân không gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo,... Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng hệ thống xi phông nước qua sông Vàm Cỏ Tây, lấy nước từ hệ thống Rạch Chanh qua cung cấp nước cho một phần huyện Thủ Thừa và Tân Trụ”.
Chủ động các phương án, kế hoạch ứng phó với hạn, xâm nhập mặn sẽ giúp giảm thiệt hại cho nông dân. Với sự chủ động, quyết liệt này, mong rằng tỉnh tiếp tục “thắng lợi kép” như đợt hạn, xâm nhập mặn năm 2020-2021.
9 tháng năm 2021, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh là trên 9,1 tỉ đồng và làm 1 người bị thương.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 điểm sạt lở: Huyện Châu Thành (3 điểm), Cần Đước (2 điểm), Tân Hưng, Bến Lức, Tân Trụ, Thạnh Hóa, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An (mỗi địa phương 1 điểm), làm 6 căn nhà bị sụp lún, sạt lở xuống sông Vàm Cỏ Tây (TP.Tân An 5 căn, huyện Châu Thành 1 căn), tổng chiều dài sạt lở của các điểm ước khoảng 630m, diện tích đất bị sạt lở khoảng 2.000m2,...
Mưa, kèm theo giông lốc làm sập 12 căn nhà, tốc mái 156 căn nhà ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thủ Thừa, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường; ngoài ra, còn làm đổ nhiều cây xanh, trụ đèn, trụ điện tạm; làm xiêu vẹo cột điện cố định tại huyện Tân Trụ.
Mùa khô năm 2020-2021, hạn, xâm nhập mặn gây thiệt hại khoảng 165ha lúa tại một số địa phương (huyện Bến Lức 105ha, huyện Thủ Thừa 60ha bị mất trắng hoặc giảm năng suất). Ước tổng thiệt hại khoảng 1,062 tỉ đồng./.
Kim Ngọc