Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại trường Đại học Kazan. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, sáng 09/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới thăm và nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan, nước Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.
Sau khi tham quan Phòng Truyền thống của nhà trường, thăm Phòng Lãnh tụ Vladimir I.Lenin từng học, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp gỡ và nói chuyện với sinh viên của trường.
Tham dự có ban lãnh đạo nhà trường, giảng viên và đông đảo sinh viên Nga đang học tiếng Việt, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại trường.
Giáo sư, Hiệu trưởng Trường Đại học Liên bang Kazan Ilshat Gafurov cho biết là đại học cấp liên bang, trường được thành lập năm 1804 và năm nay trường kỷ niệm 215 năm thành lập.
Nhà trường có 7 nhà khoa học được giải thưởng Nobel; có hơn 10 viện nghiên cứu, 10.000 cán bộ, 4.000 giáo sư, giảng viên, là trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục lớn của Liên bang Nga.
Trường hiện có gần 60.000 sinh viên, trong đó có gần 10.000 sinh viên nước ngoài; có quan hệ hợp tác với 369 trường đại học, trung tâm nghiên cứu trên thế giới.
Ban lãnh đạo trường Đại học Tổng hợp Kazan giới thiệu về trường với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Trong giai đoạn 2016-2019 đã có 27 bài báo do sinh viên Việt Nam học tại trường đăng trên các tạp chí Scopus. Hiệu trưởng Ilshat Gafurov mong muốn trong thời gian tới, trường sẽ đón tiếp nhiều đoàn nghiên cứu Việt Nam sang tìm hiểu, hợp tác.
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko và Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 8-12/12.
Nhân chuyến thăm này, đoàn vui mừng tới thăm nước Cộng hòa Tatarstan tươi đẹp, thanh bình và thăm trường Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan, một trường đại học lớn hàng đầu của Liên bang Nga.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ xúc động khi đặt chân tới ngôi trường từng là nơi nghiên cứu và học tập của nhiều nhà lãnh đạo Nga, đặc biệt là lãnh tụ Lenin vĩ đại với tư tưởng giải phóng dân tộc, mở ra con đường giải phóng cho nhiều dân tộc và quốc gia bị áp bức trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại trường Đại học Kazan. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chân thành cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị và nồng ấm mà Hiệu trưởng Ilshat Gafurov và các giáo sư, giảng viên, các sinh viên của trường đã dành cho đoàn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết từ năm 1986, Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi Mới toàn diện đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã giành những thành tựu to lớn mang ý nghĩa lịch sử, từ một quốc gia bị chiến tranh xâm lược tàn phá, sau chiến tranh lại gặp muôn vàn khó khăn do cấm vận, Việt Nam đã vượt qua nước nghèo đói năm 2006 và là quốc gia tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7% năm trong suốt 20 năm qua. Đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 3.000 USD, hộ đói nghèo chỉ còn 4,3%...
Việt Nam thu hút 28.000 dự án vốn đầu tư của 132 quốc gia, vùng lãnh thổ với số vốn 360 tỷ USD. Trong 10 năm tới, Việt Nam phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 7% và phấn đấu gia nhập vào nhóm nước thu nhập trung bình cao.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn xác định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu được ưu tiên trong chiến lược phát triển đất nước, là một nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện giảm nghèo, phát triển nhanh và bền vững.
Hiện nay, Việt Nam đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ người lớn biết chữ đạt trên 97%, tỷ lệ trẻ em đến trường đạt 100%.
Việt Nam đang khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo; khuyến khích đầu tư phát triển giáo dục ở tất cả các bậc học và đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp nhằm phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn chủ trương phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước có quan hệ truyền thống, quan hệ với Liên bang Nga là chọn lựa ưu tiên và hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Việt Nam không bao giờ quên và sẽ mãi mãi luôn ghi nhớ, trân trọng sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa mà nhân dân Liên Xô trước đây, trong đó có nhân dân Nga, đã dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày nay.”
Nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô trước đây, nhiều người đã và đang đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước.
Quan hệ chính trị giữa Việt Nam-Liên bang Nga có độ tin cậy rất cao, hai bên trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao được duy trì thường xuyên. Nhiều cơ chế hợp tác đã được xác lập trên tất cả các lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các sinh viên Việt Nam đang học tập tại trường Đại học Tổng hợp Kazan. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Hợp tác kinh tế Việt-Nga không ngừng phát triển năng động. Năm 2018 kim ngạch thương mại đạt mức kỷ lục 4,5 tỷ USD, 9 tháng năm 2019 đạt 3,4 tỷ USD. Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia đầu tiên ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu năm 2016, mà Nga là thành viên chủ chốt.
Đầu tư giữa hai nước cũng tiếp tục được mở rộng, với nhiều dự án quy mô, hiện đại được triển khai tại cả Việt Nam và Nga, trong đó không thể không kể đến các dự án hợp tác dầu khí giữa hai nước.
Hợp tác hai nước trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo không ngừng được mở rộng, ngày càng nhiều bạn trẻ Việt Nam chọn Liên bang Nga là địa điểm du học và Việt Nam là điểm đến yêu thích với người dân Nga, với hơn 600.000 lượt dư khách Nga thăm Việt Nam năm 2018 và gần 500.000 lượt người trong 9 tháng đầu năm 2019.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Nước Nga luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong tình cảm của người Việt Nam, không chỉ vì sự ủng hộ, hợp tác chính trị và kinh tế hào hiệp mà Nga đã dành cho Việt Nam, mà còn về sự đồng điệu trong tâm hồn, tình cảm giữa nhân dân, thể hiện qua sự giao lưu, kết nối về văn hóa và qua tình cảm của nhiều thế hệ người Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay.”
Chủ tịch Quốc hội cho rằng nền văn hóa Nga rực rỡ và huy hoàng đã được truyền bá vào Việt Nam. Nhiều tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao của những tên tuổi lớn như các nhà văn nổi tiếng Dostoevsky, Puskin, Chekhov, Lev Tolstoi, Maksim Gorky, Sholokhov... hết sức quen thuộc đối với người Việt Nam.
Trước đây, Liên bang Xô Viết đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40.000 cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Hiện Liên bang Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, hằng năm cấp khoảng 1.000 suất học bổng đại học và sau đại học cho sinh viên Việt Nam.
Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga, trong đó có gần 100 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan.
Hiện nay hai nước đang tổ chức Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam trong năm 2019-2020 nhân kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2020) với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng.
Năm 2020 là năm trọng đại với quan hệ hai nước; hai bên sẽ cùng nhau kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại như 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 75 năm Chiến thắng phátxít Đức và 45 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam thống nhất đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà lưu niệm cho trường Đại học Tổng hợp Kazan. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới. Trong tiến trình đó, Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào ba đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với trọng tâm là tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi và cải cách hành chính; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi với căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng khi đến thăm trường, được biết về lịch sử hơn 200 năm của Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan, trường đại học tổng hợp lâu đời thứ hai tại Liên bang Nga.
Đây là một trung tâm giáo dục đào tạo xuất sắc được quốc tế công nhận, thường xuyên được xếp trong số 10 tổ chức giáo dục đại học hàng đầu của Liên bang Nga. Trường hội tụ rất nhiều nhà khoa học, các giáo sư, giảng viên, sinh viên ưu tú của Cộng hòa Tatarstan và của Liên bang Nga, có quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học chất lượng cao.
Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan được Chính phủ Liên bang Nga giao nhiệm vụ phát triển hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học lớn tại Việt Nam.
Trường rất có tiềm năng về đào tạo trong các lĩnh vực công nghệ nano, công nghệ laser, vật liệu mới, công nghệ hóa học, điều khiển tự động, địa hóa học... Những chuyên ngành mà trường Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan đang đào tạo rất phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Trong thời gian tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giao lưu, hợp tác với các trường đại học của Việt Nam, tăng thêm sinh viên Việt Nam học tập tại trường, góp phần vào công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Nhắc lại câu nói bất hủ của Lãnh tụ Lênin “Học, học nữa, học mãi” đã trở thành phương châm trong hoạt động giáo dục của Việt Nam trong hàng trăm năm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức coi trọng công tác giáo dục-đào tạo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi sổ lưu niệm tại trường Đại học Tổng hợp Kazan. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Tư tưởng “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” của Người đã được thể hiện trong các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Chúc Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan ngày càng phát triển, tiếp nối 215 năm xây dựng và phát triển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời chào thân ái và những tình cảm thân thiết tới các sinh viên Việt Nam đang nghiên cứu, học tập tại trường, mong rằng các sinh viên không chỉ tiếp thu kiến thức, khoa học và công nghệ tiên tiến mà còn là những nhịp cầu nối liền, giới thiệu bản sắc văn hóa, con người, dân tộc Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc Việt-Nga.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong các sinh viên Nga tiếp tục nghiên cứu tiếng Việt, tăng hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, là những nhịp cầu nối góp phần đẩy mạnh giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam quan tâm, khuyến khích sinh viên các trường đại học, đã gửi sinh viên sang Nga đào tạo ngôn ngữ tiếng Nga; đồng thời chia sẻ, người Việt Nam rất yêu mến nền văn hóa Nga, các thế hệ người Việt Nam từng học tập, sinh sống tại Nga mong muốn con cháu học tiếng Nga để tăng cường sự hiểu biết về nước Nga. Hiện nay nhiều tác phẩm văn học Nga, nhiều người Việt Nam rất am hiểu...
Trả lời câu hỏi của Hiệu trưởng Ilshat Gafurov về những bí quyết của Việt Nam sau khi trải qua những năm tháng chiến tranh đã tập trung phát triển và duy trì đà tăng trưởng cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết nhân dân Việt Nam đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây.
Bản chất anh hùng của nhân dân Việt Nam đã được tôi luyện trong những năm tháng kháng chiến đấu tranh giải phóng dân tộc. Thực hiện công cuộc Đổi Mới, Việt Nam đã xây dựng chiến lược quốc gia, xây dựng những kế hoạch 5 năm, 10 năm.
Cùng với đó chú trọng vai trò lập pháp, sự điều hành của chính phủ; duy trì sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh mạch, công bằng cho các thành phần kinh tế trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh...
Trong thành quả đó, vai trò con người và giáo dục-đào tạo là rất quan trọng, cùng với đó là tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến để áp dụng vào xây dựng và phát triển đất nước.../.
Theo TTXVN (BĐT tổng hợp)