Tiếng Việt | English

04/03/2024 - 09:19

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Nguồn nhân lực chất lượng cao là những người lao động (NLĐ) bảo đảm về cả thể chất, tinh thần lẫn phẩm chất, trình độ chuyên môn; thành thạo, tài giỏi trong lĩnh vực làm việc của mình. Vì thế, đây chính là “hạt nhân” quan trọng để phát triển nền kinh tế, đưa đất nước hội nhập toàn cầu.

Nhiều năm qua, tỉnh Long An chú trọng thực hiện các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như đề án (ĐA) Đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đào tạo gắn kết với doanh nghiệp (DN),... để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ năm 2020 đến nay, tỉnh có khoảng 1.600 NLĐ đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan và các nước khác. Ở nước ngoài, NLĐ được DN đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực làm việc; có cơ hội tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp, các công nghệ tiên tiến. Qua đó, vừa nâng cao tay nghề, chuyên môn, vừa rèn luyện tác phong, kỷ luật làm việc.

Những lợi ích này giúp chuẩn bị hành trang “chất lượng cao” cho NLĐ sau khi kết thúc hợp đồng trở về nước. Sau đó, họ có thể dễ dàng tham gia vào thị trường việc làm của tỉnh, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Đây là điều kiện để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Đoàn công tác về lao động của tỉnh Ibaraki, Nhật Bản đến khảo sát chương trình đào tạo tại Trường Cao đẳng Long An

Từ năm 2020, tỉnh bắt đầu triển khai ĐA Đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2020-2025. Sở LĐ-TB&XH phối hợp Sở Ngoại vụ tiếp, làm việc với Đoàn công tác về lao động của tỉnh Ibaraki, Nhật Bản vào ngày 15/02 và ngày 29/11/2023. Qua đó, bảo đảm các tiêu chí về chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất,... đáp ứng yêu cầu của đối tác, chuẩn bị nguồn lao động phái cử sang tỉnh Ibaraki.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH còn tăng cường tuyên truyền về ĐA trên các phương tiện truyền thông; tổ chức nhiều cuộc giới thiệu việc làm cho NLĐ; phối hợp các cơ quan, DN,... thực hiện nhiều cuộc tư vấn với hơn 12.000 người dự. Kết quả, năm 2023, toàn tỉnh tổ chức xuất cảnh cho 667 NLĐ ra nước ngoài làm việc, trong đó 540 người đi Nhật Bản, 70 người đi Đài Loan và 57 người đi các nước khác.

Có điều kiện thuận lợi về nguồn lao động qua đào tạo (chiếm 80%), có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 41,9%) so với tổng số lao động trên địa bàn, huyện Cần Giuộc đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện ĐA Đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2023, huyện có 73 NLĐ tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sinh viên cuối cấp xem thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm

Để đạt kết quả này, Phòng LĐ-TB&XH huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, tạo nguồn để NLĐ có cái nhìn toàn diện về lợi ích, ý nghĩa của ĐA. Cụ thể, Phòng phối hợp Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An, Trường Cao đẳng (CĐ) Long An cơ sở Cần Giuộc tổ chức giới thiệu việc làm ở nước ngoài cho hơn 1.000 NLĐ. Để thông tin tiếp cận đến nhiều người có nhu cầu việc làm hơn, huyện còn thường xuyên tuyên truyền qua loa, đài; tổ chức hội thảo, mời DN đến các buổi tư vấn.

Đào tạo phải gắn kết với doanh nghiệp

Long An nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ của Vùng Đông Nam bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tỉnh hiện có khoảng 70 lượt DN có nhu cầu tuyển dụng cho gần 4.500 vị trí việc làm, bao gồm các ngành, nghề: Điện, cơ khí, nhân sự tổng hợp, chủ quản kho, phiên dịch, nhân viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm, kế toán, kiểm nghiệm viên hóa lý, lao động phổ thông,...

Nhu cầu tuyển dụng của DN trong tỉnh ngày một cao, kéo theo nhu cầu về nguồn cung nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng. Tuy nhiên, các DN phải đối mặt với thực tế lực lượng lao động qua đào tạo còn thấp, thiếu nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ thuật làm việc. Nhận thấy sự cấp thiết của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong các giải pháp tỉnh đã và đang duy trì là đào tạo nhân lực gắn kết với DN.

Để bảo đảm ổn định thị trường lao động, giữ thế cung - cầu cân bằng giữa NLĐ và DN, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh bắt đầu nhận đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của DN. Bên cạnh đó, các cơ sở cũng phối hợp hơn 200 DN tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên (HSSV) thực hành, học nghề và đưa gần 2.000 HSSV thực tập tại DN. Đặc biệt hơn, các trường học, cơ sở giáo dục còn huy động 38 cán bộ kỹ thuật từ các DN tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp xu thế, yêu cầu việc làm hiện tại.

Là một trong những cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, Trường Cao đẳng Long An luôn đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với DN. Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Quốc Hùng, năm 2023, trường đầu tư hơn 100 tỉ đồng cho các hoạt động giảng dạy, nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học nghề của HSSV.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tạo điều kiện đưa sinh viên, học viên đến thực hành, thực tập trong môi trường của doanh nghiệp

Nhiều năm qua, trường luôn giữ mối quan hệ gắn kết với các DN trong và ngoài tỉnh để tạo điều kiện cho HSSV tham gia thực hành, thực tập trong môi trường thực tế. Trường còn phối hợp Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An tổ chức Ngày hội giới thiệu việc làm cho HSSV, giúp trên 75% HSSV có việc làm ngay khi tốt nghiệp.

Không chỉ liên kết với các DN, trường còn hợp tác với các Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) để có máy móc, thiết bị, chương trình đào tạo nghề Cơ điện tử đạt chuẩn của Đức; được Dự án Aus4skill của Chính phủ Australia hỗ trợ đào tạo nghề Logistics theo chuẩn của Australia.

Hoạt động hợp tác này không chỉ giúp HSSV được thực hành với máy móc, thiết bị tương tự với thị trường lao động thực tế mà còn bảo đảm kiến thức cơ bản về ngành, nghề làm việc sau này.

Thông qua đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là lực lượng lao động chủ chốt trên thị trường lao động, tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, giúp tỉnh đạt được nhiều bước tiến mới trong quá trình phát triển KT-XH./.

Hoàng Lan

Chia sẻ bài viết