Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp
Thời gian qua, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, thu hút nhiều LĐ làm việc. Từ thực tế này, tỉnh tập trung đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của DN tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế.
Theo đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được sắp xếp nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của DN. Thông tin từ Sở LĐ - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 13 cơ sở dạy nghề đang hoạt động, gồm 3 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 2 cơ sở tham gia giáo dục nghề nghiệp. Trong những tháng đầu năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo 9.105 người (51 sinh viên cao đẳng, 350 học sinh trung cấp, 4.477 học viên trình độ sơ cấp, 4.227 học viên thường xuyên).
Từ nguồn ngân sách, tỉnh đầu tư 72 tỉ đồng để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất cho Trường Cao đẳng Long An để đạt tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao. Các trường cũng tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho 31 giáo viên giảng dạy trình độ trung cấp, cao đẳng; phối hợp DN và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM xây dựng, triển khai đào tạo 17 chương trình trung cấp, cao đẳng.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp hơn 200 DN trong và ngoài tỉnh triển khai đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; phối hợp một số trường đại học ở TP.HCM và khu vực tổ chức đào tạo đại học hệ vừa làm, vừa học cho 405 sinh viên; đào tạo liên thông cao đẳng lên đại học cho 17 sinh viên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Trường Cao đẳng Long An phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đầu tư thiết bị, xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nghề cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức cho 148 học sinh, sinh viên. Kết quả trên góp phần nâng LĐ qua đào tạo của tỉnh đạt 73,94%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,43%.
Đa dạng hình thức đào tạo
Long An là một trong những địa phương thu hút tốt đầu tư từ DN trong nước lẫn nước ngoài. Lãnh đạo tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, dự báo trong những năm tới, Long An sẽ thu hút thêm nhiều DN nước ngoài đến đầu tư. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là ngay từ bây giờ, phải chuẩn bị đầy đủ hạ tầng, nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu DN, phục vụ phát triển KT-XH.
Cần Giuộc là một trong những huyện thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, thu hút nhiều DN đầu tư, nhất là DN nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu LĐ cho DN, Trường Cao đẳng Long An, cơ sở Cần Giuộc hiện tập trung đào tạo những ngành nghề mà DN cần: Cắt gọt kim loại, công nghệ ôtô, điện công nghiệp, quản trị mạng máy tính, vận hành sửa chữa thiết bị lạnh, kế toán DN, may thời trang, logistics,...
Học viên trong tiết học thực hành cơ điện lạnh tại Trường Cao đẳng Long An, cơ sở Cần Giuộc
Giám đốc Trường Cao đẳng Long An, cơ sở Cần Giuộc - Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ: Hiện nay, cơ sở Cần Giuộc liên kết với khoảng 60 DN nhằm đào tạo nghề theo nhu cầu. Ngoài ra, năm 2023, cơ sở cũng tuyển sinh và đào tạo khoảng 1.100 học viên các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, liên thông từ trung cấp lên cao đẳng,...
Để đa dạng ngành nghề và đáp ứng nhu cầu nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của người học, đáp ứng nhu cầu DN, trường liên kết với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Đại học Mở TP.HCM đào tạo trình độ đại học, liên thông từ cao đẳng lên đại học các ngành nghề: Ngôn ngữ Anh, Luật, Kinh tế, Điện, Cơ khí, Công nghệ thông tin.
Ngoài tập trung giảng dạy, cơ sở còn đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, máy móc đồng bộ, phục vụ giảng dạy lý thuyết và thực hành. Theo kế hoạch đến năm 2025, Trường Cao đẳng Long An, cơ sở Cần Giuộc được phân bổ kinh phí xây dựng thêm cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề, đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của DN.
Kỹ sư Công ty TNHH Một thành viên Yumoto Việt Nam thiết kế các sản phẩm CNC từ kim loại phục vụ đơn hàng từ Nhật Bản
Công ty (Cty) TNHH Một thành viên Yumoto Việt Nam có vốn đầu tư từ Nhật Bản. Cty đầu tư sản xuất sản phẩm CNC từ kim loại tại Khu công nghiệp Tân Kim mở rộng (huyện Cần Giuộc). Giám đốc Kinh doanh - tiếp thị, Cty TNHH Một thành viên Yumoto Việt Nam - Fukumori-Toyoki cho biết: Cty rất mong được hợp tác với Trường Cao đẳng Long An trong các lĩnh vực: Tiếp nhận thực tập sinh, tuyển dụng kỹ sư, hỗ trợ học ngôn ngữ (Cty sẽ tổ chức các khóa học tiếng Nhật và tiếng Anh cơ bản cho những sinh viên muốn học tiếng Nhật hoặc tiếng Anh, đại diện Cty là người hướng dẫn, giảng dạy nhằm giúp học viên nhanh chóng tiếp cận tiếng Nhật, Anh để sử dụng giao tiếp trong công việc).
Ngoài ra, Cty cũng muốn thảo luận với Trường Cao đẳng Long An tổ chức các khóa học lập trình sử dụng phần mềm CAD/CAM. Vì hiện nay, hầu hết các máy CNC gia công hàng kim loại đều được lập trình, vận hành bằng cách cài đặt phần mềm CAD/CAM nhưng trường chưa có khóa học về vấn đề này. Các kỹ sư của Cty sẵn sàng là người hướng dẫn, giảng dạy. Theo ông Fukumori-Toyoki, bên cạnh những ngành nghề đào tạo hiện có, DN cần nguồn LĐ có tay nghề cao, thông thạo cơ khí, điện, điện tử, tự động hóa,... và giỏi ngoại ngữ.
Thông tin từ Sở LĐ - Thương binh và Xã hội, mặc dù công tác đào tạo nguồn LĐ gắn với phát triển công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng còn một số khó khăn. Cụ thể, quy mô tuyển sinh đào tạo nghề có tăng nhưng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số tuyển sinh đào tạo nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng LĐ có chất lượng cao của DN.
Theo đó, tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho Trường Cao đẳng Long An đạt tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao; chọn cử giáo viên định kỳ đi thực tập ở DN để tiếp cận công nghệ mới, nâng cao kỹ năng giảng dạy; cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu DN, thị trường LĐ.
Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường phối hợp, liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với DN, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường đại học trong và ngoài nước trong việc hợp tác đào tạo, trao đổi thông tin, kinh nghiệm đào tạo; bồi dưỡng nhà giáo, học sinh, sinh viên; tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập tiên tiến; triển khai mô hình đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn nước ngoài, nhất là các nghề trọng điểm cấp khu vực ASEAN và quốc tế./.
Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, ngành nghề phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu kinh tế của địa phương được Tỉnh ủy xác định là 1 trong 3 chương trình đột phá góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt đã đề ra 3 đột phá phát triển KT-XH của tỉnh nhằm đạt mục tiêu “Đến năm 2030, tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam”.
1 trong 3 đột phá đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
|
Mai Hương