Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, trong đó, có nguồn nhân lực CLC, bởi đây là lực lượng nòng cốt tiếp cận nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Quốc Hùng cho biết: “Thời gian qua, trường luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề. Giai đoạn 2021-2025, trường được đầu tư 152 tỉ đồng (vốn địa phương 75 tỉ đồng, vốn Trung ương 77 tỉ đồng) để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị dạy học. Về hợp tác quốc tế trong đào tạo, trường tiếp tục được Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số, kiểm định chất lượng, góp phần hoàn thành các tiêu chí của trường cao đẳng CLC”.
Đào tạo nghề đáp ứng theo nhu cầu thị trường là chỉ đạo xuyên suốt của Sở Lao động (LĐ) - Thương binh và Xã hội đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động “bắt tay” trên 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để triển khai đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn liên kết các trường đại học ở TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức đào tạo đại học hệ vừa làm, vừa học hoặc đào tạo liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học. Với những nỗ lực trên, đến nay, LĐ qua đào tạo của tỉnh đạt trên 73,94%, trong đó, LĐ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,43%.
Đi để trở về xây dựng quê hương
Giám đốc Sở LĐ - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai cho biết: “Đi làm việc ở nước ngoài, người LĐ sẽ có thu nhập cao hơn so với trong nước, đóng góp tích cực vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tính tích lũy, cải thiện đời sống bản thân và gia đình. Đặc biệt, người LĐ làm việc ở nước ngoài còn tiếp cận nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tác phong công nghiệp. Đây chính là nguồn nhân lực CLC đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh sau khi về nước; đồng thời là “cầu nối” văn hóa của Việt Nam với các nước trên thế giới. Tính từ năm 2020 đến nay, tỉnh có trên 1.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm trên 90% với độ tuổi từ 18-30 tuổi. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 189 LĐ đi làm việc ở nước ngoài; trong đó, Nhật Bản 168 LĐ, Đài Loan 17 LĐ, thị trường khác 4 LĐ”.
Lễ xuất cảnh đưa cựu học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Long An và thanh niên trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài
Sau khi người LĐ đi làm việc ở nước ngoài trở về nước sẽ được Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh giới thiệu vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Vị trí công việc là chuyên gia hoặc cán bộ quản lý để quá trình đi LĐ tại nước ngoài thật sự trở thành hành trình khứ hồi CLC, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao cho tỉnh nhà.
Bà Phan Thị Hoàng Châu (phường 5, TP.Tân An) chia sẻ: “Tôi có nhiều người bạn có con em đi LĐ ở nước ngoài không chỉ gửi tiền về cho gia đình mà sau khi về nước còn tìm được công việc phù hợp trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài với thu nhập cao. Tôi chọn Nhật Bản cho con đi làm việc vì người Nhật làm việc rất nghiêm túc; đây cũng là nước có khoa học - kỹ thuật phát triển mạnh so với nhiều nước trên thế giới. Do đó, tôi động viên con mạnh dạn tham gia, thời gian làm việc 3 năm. Dự kiến, cuối năm 2023, con tôi sẽ xuất cảnh”.
Để tiến tới hội nhập quốc tế, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh thì việc đào tạo nguồn nhân lực CLC là hướng đi tất yếu, phù hợp nhu cầu của xã hội. Tỉnh đang từng bước làm tốt vấn đề này, góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.
Lê Ngọc