Ngày 29/9, Trại giam Thạnh Hòa tổ chức hội nghị gia đình phạm nhân (PN). Có 200 gia đình là người thân của 200 PN đến dự. Đây là lần thứ 10, trại tổ chức hội nghị này nhưng vẫn mang lại rất nhiều cảm xúc khi người thân được vào trong trại tận mắt xem chỗ ăn, ở, sinh hoạt của người thân.
Nhà bếp phạm nhân sạch đẹp, vệ sinh
“Mái nhà” giúp đỡ người phạm tội
Nói đến trại giam - nơi nhiều PN đang chấp hành án phạt tù với những tội danh khác nhau: Trộm, cướp, hiếp dâm, bắt cóc, giết người,... nhiều người không khỏi e ngại. Thế nhưng, khi vào tận trại giam, chứng kiến môi trường, cảnh quan, nơi ăn, ở của PN, sự thân thiện, vui vẻ của cán bộ, chiến sĩ thì ai cũng có cảm xúc rất khác. Đó chính là “mái nhà” để giúp đỡ những người lầm lỗi hoàn lương, làm lại cuộc đời.
Đứng trong khu vực buồng giam PN, bà Lê Thị Điệp (55 tuổi), ngụ thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An chia sẻ: “Cảnh quan môi trường trong trại rất đẹp, nhiều cây xanh; từ buồng giam đến bếp ăn cung cấp cơm hàng ngày cho PN rất ngăn nắp, sạch sẽ”.
Bà tin rằng, với sự giúp đỡ của cán bộ quản giáo, con bà sẽ sớm làm lại cuộc đời. Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Cường (59 tuổi), ngụ huyện Đức Huệ, kể, con ông ngỗ ngược, thường tụ tập với bạn xấu chơi bời, lêu lổng. Con ông làm nghề chạy xe ôm dọc biên gới, thường chở khách sang Campuchia đánh bạc. “Con tôi bị công an bắt vì tội bắt giữ người trái phép và sau đó bị tòa án kết án 7 năm tù giam. Đến nay, chấp hành án được 2 năm. Tôi không ngờ trong trại giam, PN cũng được xem tivi, đọc báo và chơi thể thao, được khám, chữa bệnh và học nghề,... Hy vọng, con tôi cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình” - ông Cường rưng rưng nói.
Ông Hà Minh Đức đại diện cho hàng trăm người thân của PN, bày tỏ: “Con tôi bị bắt từ năm 2012 và bị kết án 12 năm tù về tội giết người, đến nay, chấp hành án được 5 năm. Tháng nào tôi cũng đến thăm, động viên con. Con tôi rất hối hận với những sai lầm trong quá khứ và hứa sẽ cải tạo tốt để về với gia đình”. Ông Đức không quên hứa với cán bộ, giám thị ở trại giam rằng, sau này khi con trai trở về thì gia đình sẽ dành nhiều thời gian để quan tâm giáo dục, không để con mình lêu lổng, tụ tập gây rối.
Tặng quà cho thân nhân phạm nhân
Cần sự chung sức
Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám thị và cán bộ, chiến sĩ trại giam luôn đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục cải tạo PN. Trại phối hợp các ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Trại giam xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với một số cơ quan, doanh nghiệp dạy văn hóa, dạy nghề cho PN.
“Từ năm 2015 đến nay, trại mở 143 lớp giáo dục PN cho hơn 5.100 PN; tổ chức giáo dục chung cho 214.685 lượt PN thông qua sinh hoạt, chào cờ đầu tháng. Trong công tác dạy nghề, trại phối hợp Công ty Hưng Tín (Hà Nội) mở 6 lớp dạy nghề xây dựng, may công nghiệp, điện dân dụng,... cho 210 PN” - Đại tá Phạm Văn Huân - Phó Giám thị Trại giam Thạnh Hòa, cho biết.
Từ hiệu quả giáo dục cải tạo PN theo quy định pháp luật kết hợp những biện pháp giáo dục mang tính nhân văn, từ 2015 đến nay, có hơn 3.700 PN được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Có 527 PN được Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn.
“Giáo dục người lầm lỗi là việc làm khó. Nếu chỉ riêng lực lượng công an thì không thể làm tốt được. Để “trả” về cho xã hội những con người tốt, rất cần sự chung sức của các cấp chính quyền, đoàn thể, gia đình, doanh nghiệp, nhất là đối với gia đình PN phải là chỗ dựa vững chắc để giúp PN hướng thiện, hoàn lương. Cộng đồng cần phải có sự đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ những người từng lầm lỗi hòa nhập cuộc sống, tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống” - Đại tá Ngô Đức Hưng - Phó Cục trưởng C86 (Bộ Công an), nhắn nhủ./.
Lê Đức