Trẻ em cần có sân chơi lành mạnh, được bảo vệ an toàn (Ảnh minh họa)
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, các ban, ngành, địa phương và trường học trong tỉnh tăng cường công tác truyền thông giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Đặc biệt, các ban, ngành, địa phương xây dựng và nhân bản các sản phẩm truyền thông, đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông thường xuyên và chiến dịch truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học, cơ sở giáo dục trẻ em, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em;...
Hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng an toàn về phòng, chống tai nạn, thương tích; thí điểm và nhân rộng các mô hình về tư vấn, giáo dục kiến thức, thực hành kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.
Song song đó, các cấp, các ngành, đoàn thể cần nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em; xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Các ban, ngành, địa phương cần tăng cường hướng dẫn thực hiện và nhân rộng tiêu chí ngôi nhà an toàn, tiêu chuẩn trường học an toàn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em phù hợp với từng địa phương; huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, sửa chữa, cải tạo các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành triển khai nhiều biện pháp can thiệp phòng ngừa, nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là chú trọng phòng, chống đuối nước trẻ em, phòng ngừa tai nạn giao thông, té ngã, cháy, bỏng, động vật cắn và phòng ngừa trẻ em tự tử.
Long An có địa bàn rộng với nhiều sông, kênh, rạch nên việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em rất cần sự tư vấn, giáo dục kiến thức, kỹ năng về an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại trường học, cộng đồng, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, nơi trông giữ trẻ an toàn; cần nhân rộng các mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt là mô hình dạy bơi an toàn trên địa bàn toàn tỉnh.
Bà Phạm Thị Huệ (ấp Hựu Lộc, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Nhà tôi có hai cháu nhỏ, một cháu học lớp 2 và một cháu chuẩn bị vào lớp 1. Do nhà ở gần sông lớn nên tôi mua áo phao về cho hai cháu tập bơi ở ao nhà. Nhà trường thì thường xuyên nhắc nhở phụ huynh phải đội nón bảo hiểm cho trẻ khi ngồi trên xe gắn máy để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT)”.
Đã bước vào năm học mới, các trường vận động cộng đồng, người dân sử dụng các trang thiết bị bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ như đội nón bảo hiểm, thắt dây đai an toàn, ghế ngồi an toàn; đồng thời, cung cấp kiến thức, kỹ năng, các quy định ATGT đường bộ cho phụ huynh, trẻ em tại trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em và cộng đồng; nhân rộng các mô ATGT đường bộ cho trẻ em, mô hình Cổng trường an toàn, các mô hình can thiệp giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em tại khu vực có tập trung đông trẻ em.
Thầy Huỳnh Đăng Quang - Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, cho biết: “Để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giáo viên tăng cường cho các em tham gia hoạt động ngoại khóa và đẩy mạnh tuyên truyền trực quan sinh động.
Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Tân An và các giáo viên mỹ thuật trên địa bàn TP.Tân An đã hỗ trợ, cùng giáo viên của trường vẽ các hình ảnh sống động lên băng ghế đá để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, với các chủ đề như ATGT, bảo vệ môi trường, phòng, chống đuối nước,…
Ở các vùng đông dân cư và nông thôn, để phòng, chống động vật cắn cho trẻ em, các gia đình, cơ sở giáo dục cần thực hiện các quy định về phòng, chống tai nạn động vật cắn đối với trẻ em, nhất là động vật nuôi trong gia đình;...
Đồng thời, cung cấp, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em cần biết các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống động vật cắn và sơ cứu khi bị động vật cắn; kiện toàn hệ thống sơ cứu, điều trị, phục hồi chức năng, cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng, giảm tử vong, khuyết tật và tổn thất về sức khỏe cho trẻ em do tai nạn, thương tích;…/.
Mộc Lâm