Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ và chăm sóc
Những câu chuyện buồn
Câu chuyện xảy ra cách đây hơn 5 tháng nhưng chị T.T.L., ngụ xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An vẫn không kìm được nước mắt mỗi khi nghe ai đó nhắc đến tên con trai mình. Làm sao không khóc được bởi cha mẹ nào không nuôi dưỡng con bằng tình yêu thương vô điều kiện, luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con, vậy mà phải nhìn cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.
Chị T.T.L. nghẹn ngào kể: “Đang làm trong công ty thì chồng điện thoại báo con trai mất do đuối nước, tôi như chết đứng. Sau đó, tôi như một người mất hồn, không ăn, không uống, suốt mấy tháng cứ ngồi bên mộ con, ai khuyên cũng không nghe. Vợ chồng tôi rất yêu thương con. Vậy mà chỉ một phút lơ là, vợ chồng tôi đã đánh mất con mình mãi mãi”.
Vợ chồng chị L. có 2 người con trai, trong đó N.V.Đ. là con út, bị tử vong do đuối nước. Vì nghĩ em Đ. không bao giờ ra ngoài ao câu cá hoặc đi gần bờ sông nên cha em mải lo nấu ăn mà quên quan tâm đến Đ. dẫn đến xảy ra chuyện đáng buồn như hôm nay. Kể từ đó, cha em Đ. luôn day dứt, đau khổ, tự trách mình.
May mắn hơn em Đ., em T. vẫn giữ được tính mạng sau tai nạn té ngã trong nhà làm chấn thương sọ não, phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM). Sau khi xuất viện, gia đình T. vẫn chạy chữa thuốc men cho em và đưa vào Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh để được can thiệp sớm.
Cha em T. bộc bạch: “Hơn 1 tuổi, cháu T. phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Lúc đó, T. chập chững biết đi và đang tập nói. Sau khi bị té đập đầu xuống gạch, gia đình đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị, cứ ngỡ T. sẽ không qua khỏi, vợ chồng tôi sẽ mãi mất con. May mắn cháu T. được cứu sống nhưng bị liệt hai chân và chậm phát triển, chúng tôi tiếp tục chạy chữa thuốc men khắp nơi nhưng bệnh tình vẫn không giảm”.
Nhìn gương mặt dễ thương, nụ cười trong sáng, ít ai biết rằng em T. phải trải qua những ngày tháng khó khăn nhất. Giờ đây, T. phải chịu những thương tổn trên cơ thể đến suốt cuộc đời. Giá như người nhà quan tâm, chăm sóc em thật cẩn thận, có lẽ cuộc đời em đã tốt đẹp hơn, có điều kiện được cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa.
Trẻ em rất hiếu động nên phải quan tâm, phòng ngừa xảy ra tai nạn, thương tích
Xin đừng lơ là!
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2019 đến nay, tỉnh có hơn 1.100 trường hợp trẻ bị tai nạn, thương tích, trong đó có 20 trẻ tử vong. Loại tai nạn chủ yếu do trẻ té ngã, tai nạn giao thông, súc vật cắn, đuối nước,... Phó Trưởng phòng Quản lý Công tác xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phan Thị Nguyệt cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn, thương tích chủ yếu do cha mẹ thiếu sự quan tâm, lơ là. Trong khi đó, trẻ em hiếu động, thích tò mò, khám phá và chưa có kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn, thương tích. Đa số những vụ tai nạn, thương tích thời gian qua chủ yếu xảy ra tại gia đình; trẻ bị tai nạn, thương tích thường từ 6-13 tuổi. Vì vậy, việc thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ, nhất là mùa hè này cần sự phối hợp giữa 3 môi trường: Nhà trường - gia đình và xã hội, trong đó các bậc phụ huynh phải đặc biệt nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống tai nạn, thương tích từ những điều nhỏ nhất”.
Gia đình là “lá chắn” đầu tiên phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Xác định được vấn đề này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, vừa tuyên truyền các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích, vừa nâng cao nhận thức của gia đình về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Anh Thi Công Toàn, ngụ thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, bộc bạch: “Có những vụ tai nạn xảy ra với trẻ ngay tại ngôi nhà của mình. Chính vì vậy, khi các con ở nhà, tôi luôn quan sát, theo dõi, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, vì độ tuổi này rất hiếu động, chưa nhận thức đầy đủ những nguy hiểm xung quanh. Ngoài ra, tôi còn chủ động để tất cả những vật có thể gây tai nạn, thương tích cho trẻ xa tầm với như bình thủy, ổ điện, dao, kéo, các loại hóa chất,…”.
Trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em nêu lên nguyên nhân trẻ bị tử vong do đuối nước
Các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần quan tâm xây dựng cho trẻ môi trường sống an toàn, góp phần giúp trẻ sinh hoạt, vui chơi một cách an toàn, nhất là phòng, chống tai nạn, thương tích xảy ra. Theo đó, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện, duy trì và nhân rộng rất tốt mô hình Ngôi nhà an toàn cho trẻ. Hình thức thực hiện mô hình này gồm 33 chỉ số, trong đó 15 chỉ số bắt buộc phải đạt gồm: Giếng - bể nước có nắp đậy chắc chắn, an toàn; khu bếp phải riêng biệt, có cửa ngăn và có khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được với lửa và bình gas; dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu đi bên ngoài,… Thông qua mô hình góp phần kéo giảm các vụ tai nạn, thương tích trẻ em, xây dựng cho trẻ môi trường sống an toàn và lành mạnh.
Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 4 trẻ tử vong do đuối nước, tuy nhiên con số này chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm, vì thực tế còn rất cao. Nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ, nhất là vào mùa hè, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch không chỉ tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí mà còn kêu gọi xã hội hóa xây dựng hồ bơi cho trẻ. Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Minh Đức cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh có 41 hồ bơi (40 tư nhân; 1 nhà nước), trong đó tập trung nhiều ở huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước,... Số hồ bơi này chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa và biên giới vì đa số các hồ bơi đều tập trung ở khu vực thành thị. Trong tình hình thực tế hiện nay, việc xã hội hóa hồ bơi rất khó khăn vì khả năng thu hồi vốn từ xây dựng hồ bơi rất chậm, doanh nghiệp không có lãi. Tuy nhiên, nhằm phổ cập bơi cho trẻ, bình quân hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức dạy bơi cho hơn 200 trẻ; đồng thời tổ chức các lớp dạy bơi cho các nhóm trẻ của tỉnh với hơn 150 trẻ tham gia. Qua đó, không chỉ giúp trẻ có kỹ năng sống mà còn rèn luyện sức khỏe”.
Long An là địa bàn đặc thù sông nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho trẻ. Đây được xem là vấn đề “nóng” trong thời gian qua, vì vậy nhiều phụ huynh chủ động đăng ký các lớp phổ cập bơi cho con em mình. Anh Trần Văn Bốn, ngụ thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, chia sẻ: “Những năm qua, huyện Thạnh Hóa xảy ra nhiều vụ trẻ tử vong do tai nạn đuối nước. Do đó, khi nghe trường thông báo mở lớp dạy bơi, tôi đăng ký cho con theo học. Đến nay, con tôi không chỉ biết bơi mà còn có kỹ năng bảo vệ bản thân trước những tai nạn nguy hiểm dưới nước. Đây là một điều rất đáng mừng!”.
Tai nạn, thương tích đang là nỗi ám ảnh của gia đình, thậm chí cướp đi sinh mạng của những người thân yêu nhất, khó có thể xoa dịu theo thời gian và không có gì bù đắp được. Để không chứng kiến những vụ tai nạn, thương tích đau lòng, rất cần sự chung tay của 3 môi trường: Gia đình - nhà trường và xã hội./.
Tai nạn, thương tích đang là nỗi ám ảnh của gia đình, thậm chí cướp đi sinh mạng của những người thân yêu nhất, khó có thể xoa dịu theo thời gian và không có gì bù đắp được. Để không chứng kiến những vụ tai nạn, thương tích đau lòng, rất cần sự chung tay của 3 môi trường: Gia đình - nhà trường và xã hội”. |
Kim Ngọc