Tiếng Việt | English

24/06/2021 - 09:21

Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em: Trách nhiệm không của riêng ai

Tai nạn, thương tích xảy ra ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ. Do đó, việc thực hiện các giải pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là rất cần thiết, đòi hỏi sự chung tay của 3 môi trường: Gia đình - nhà trường và xã hội.

Dạy bơi cho trẻ em là thiết thực phòng, chống tai nạn, thương tích do đuối nước ở trẻ. Ảnh tư liệu: Kiên Định

Những câu chuyện đau lòng

Câu chuyện xảy ra cách đây gần 1 năm nhưng khi ai đó nhắc đến em Nguyễn Phúc Khang và Nguyễn Thị Lan (xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) thì nước mắt 2 người mẹ lại rơi. Làm sao không khóc, không đau lòng khi hai người mẹ vĩnh viễn mất đi “núm ruột” thương yêu của mình. Nỗi đau dai dẳng này chẳng có gì bù đắp được.

Mẹ em Nguyễn Phúc Khang nghẹn ngào nói: “Khang và Lan là anh em chú bác ruột. Hai đứa chơi với nhau rất thân. Cách nay gần 1 năm, hai đứa ra sau hè chơi cùng mấy đứa nhỏ trong xóm nhưng không may cháu Lan té xuống ao, Khang thấy vậy liền nhảy xuống kéo em lên nhưng không được, dẫn đến 2 đứa tử vong. Đang làm ruộng, nghe người thân báo con mình tử vong do đuối nước, tôi như chết lặng, không thể nào đứng vững. Giờ đây, mỗi khi nhìn thấy đứa trẻ nào trạc tuổi con mình là tôi cảm thấy chạnh lòng, không kìm được nước mắt”.

Dạy bơi cho trẻ em để bảo vệ sự an toàn cho trẻ. Ảnh TL: Kiên Định

Từ nhỏ, em Trần Bảo Trang, ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh đã mồ côi cha, sống cùng mẹ. Mẹ em không có nghề nghiệp ổn định, chủ yếu làm thuê kiếm sống qua ngày. Thương mẹ vất vả, Trang luôn hiếu thảo, chăm ngoan, học giỏi. Để phụ mẹ lo chi phí đầu năm học mới, Trang đi phụ bán quán ăn cho người dì ở huyện Thạnh Hóa. Một lần trên đường về nhà, Trang bị tai nạn giao thông. Gia đình khó khăn lại càng khó khăn hơn khi chi phí phẫu thuật cho Trang lên đến hàng chục triệu đồng. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình em, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí để Trang được phẫu thuật. Mặc dù cuộc phẫu thuật thành công nhưng em vẫn mang trên người nhiều vết sẹo.

Mẹ Trang nói: “Là con gái mà trên người đầy vết sẹo thì rất tội nghiệp, sợ sau này lớn lên, con sẽ mặc cảm. Tôi khuyên con cố gắng sống tốt, đừng quan tâm đến lời nói của những người xung quanh”.

Em Trần Thanh Tuyền, ngụ xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, cũng sống với ông, bà ngoại từ nhỏ ở TP.HCM, còn mẹ làm công nhân. Hàng ngày, ông, bà ngoại đi bán vé số, để Tuyền ở nhà hoặc gửi người ở phòng trọ kế bên giữ giùm. Một hôm, trong lúc Tuyền ở nhà một mình thì vụ cháy xảy ra. Được những người xung quanh đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, Tuyền giữ được tính mạng nhưng trên người còn nhiều vết sẹo. “Cảm thông với hoàn cảnh của Tuyền, UBND xã thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và tặng quà, góp phần giúp gia đình vơi bớt một phần khó khăn trong cuộc sống” - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Tây - Võ Hồng Tươi cho biết

Cùng cộng đồng trách nhiệm

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục và Đào tạo cho học sinh tạm nghỉ học để chủ động phòng, chống dịch. Không đến trường, hàng ngày, các em học tập, vui chơi tại nhà. Điều này đặt ra vấn đề phải tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Theo đó, nhiều địa phương chủ động duy trì và nhân rộng mô hình Ngôi nhà an toàn, với 33 tiêu chí, chia làm 6 nhóm: An toàn xung quanh ngôi nhà, an toàn trong các phòng trong nhà, an toàn về điện, an toàn cầu thang và lan can, an toàn các đồ dùng gia đình và một số quy định khác,...

An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ. Ảnh tư liệu: Thanh Hiểu

Bà ngoại em Phạm Lê Như Ý, ngụ xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, cho biết: “Từ khi giữ cháu ngoại, tôi thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn để phòng, chống tai nạn, thương tích cho cháu. Nhà bếp được tôi sắp xếp gọn gàng; bếp ga, ấm điện, ổ điện,… đặt cao hơn tầm tay của cháu; dao, kéo, vật sắc, nhọn cất trong ngăn tủ bếp; nồi, chảo đều có giá treo. Thuốc uống của tôi đều được cất trong tủ thuốc gia đình, tránh trường hợp cháu nhặt được và nhầm tưởng đồ ăn sẽ cho vào miệng,…”.

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 950 trường hợp trẻ bị tai nạn, thương tích, trong đó, 17 trẻ tử vong. Đây chỉ là con số bề nổi trong “tảng băng chìm” vì thực tế, tai nạn, thương tích còn rất nhiều. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn, thương tích chủ yếu do cha mẹ thiếu quan tâm trong khi trẻ hiếu động, thích tò mò, khám phá và chưa có kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích. Loại tai nạn thường xảy ra là trẻ bị té ngã, tai nạn giao thông, súc vật cắn, đuối nước,…

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ chia sẻ: “Nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến phụ huynh, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình,…; tích cực thực hiện xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn; huy động sự tham gia của các đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em,…”.

Tai nạn, thương tích đối với trẻ em có thể phòng ngừa khi có sự phối hợp chặt chẽ, cùng cộng đồng trách nhiệm từ 3 môi trường: Gia đình - nhà trường và xã hội. Điều này sẽ tạo cho trẻ môi trường sống an toàn và lành mạnh, hạn chế những tai nạn, thương tích có thể xảy ra./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết