Quản lý tốt nguồn chất thải phát sinh
Việc quản lý nguồn chất thải có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Hiện tại, các nguồn phát sinh chất thải trên địa bàn huyện chủ yếu từ hoạt động sản xuất công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, các khu dân cư (KDC).
Người dân huyện Cần Đước tham gia trồng cây để vùng hạ mãi xanh
Trên địa bàn huyện có 3 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp. Nguồn nước thải công nghiệp phát sinh từ các cơ sở, nhà máy sản xuất đều được xử lý trước khi đưa ra môi trường.
Các doanh nghiệp có chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại đều có kho chứa riêng, ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom và xử lý theo đúng quy định. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ nằm ngoài khu, cụm công nghiệp cũng thực hiện công tác BVMT.
Chất thải từ hoạt động chăn nuôi với quy mô nhỏ được thu gom, xử lý bằng hầm biogas. Chất thải từ quá trình trồng trọt, thu hoạch như rơm rạ, lá cây, rau màu được thu gom để ủ phân sinh học. Đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, huyện thường xuyên chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, ngày 16/5/2016 hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 88,4 tấn/ngày. Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 8,3 tấn/ngày; lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn khoảng 80,1 tấn/ngày.
Chất thải rắn sinh hoạt được Công ty Cổ phần Công trình đô thị Cần Đước thu gom, vận chuyển bằng xe chuyên dùng đến Nhà máy Xử lý rác thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam để xử lý. Đối với các hộ gia đình ở những vùng xa chưa bố trí được xe vận chuyển rác thì người dân xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng dẫn của chính quyền địa phương bằng cách phân loại, ủ phân bón hữu cơ (hình thức hố rác di động), chôn lấp trong khuôn viên đất của hộ gia đình. Đối với nguồn nước thải sinh hoạt tại các hộ dân cư riêng lẻ, hầu hết xử lý bằng hầm tự hoại trước khi thải ra môi trường.
Đối với nguồn chất thải y tế phát sinh từ các bệnh viện, trạm y tế xã, các phòng khám trên địa bàn huyện được thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định. Trên địa bàn huyện có Trung tâm Y tế huyện Cần Đước cơ sở 1 (tại thị trấn Cần Đước), Trung tâm Y tế huyện Cần Đước cơ sở 2 (tại xã Tân Trạch), 17 trạm y tế cấp xã đều có lò đốt rác thải y tế với quy mô tương ứng để xử lý rác y tế tại chỗ hoặc vận chuyển về lò đốt rác y tế của Trung tâm Y tế huyện Cần Đước để xử lý, đạt 100%.
Đối với chất thải xây dựng, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền các chủ thầu vận chuyển, xử lý, chôn lấp hoặc tái sử dụng,... không đổ bừa bãi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, an toàn giao thông trên địa bàn các xã.
Nhiều mô hình hay, thiết thực
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cần Đước đã thực hiện các kế hoạch liên tịch với UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện trong công tác tuyên truyền về BVMT.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cần Đước phối hợp Huyện đoàn triển khai mô hình Biến rác thải nhựa thành cây xanh
Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp Huyện Đoàn thực hiện mô hình phân loại rác thải nhựa, biến rác thải nhựa thành cây xanh tại các xã: Long Khê, Phước Vân, Long Sơn; hỗ trợ kinh phí lắp đặt các thùng chứa rác thải nhựa đặt tại các KDC tập trung, trên tuyến đường giao thông của ấp; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân tích cực tham gia phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thải nhựa có thể tái chế bỏ vào thùng rác, kinh phí từ việc bán phế liệu được sử dụng để mua cây xanh trồng trên hệ thống giao thông nông thôn;...
Những cách làm này bước đầu tạo được sự đồng thuận cao trong người dân, qua đó khắc phục tình trạng vứt rác bừa bãi, góp phần BVMT, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Các cấp bộ Đoàn trong huyện còn tổ chức ra quân Ngày Chủ nhật xanh với các hoạt động xóa biển quảng cáo sai quy định; chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường do các cơ sở Đoàn quản lý; tặng 200 sọt đựng rác để thực hiện mô hình phân loại rác thải tại KDC;...
Ngoài ra, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện còn phối hợp UBMTTQ Việt Nam huyện thực hiện mô hình KDC BVMT tại KDC Phước Đông, Long Cang, Long Hòa, duy trì và nhân rộng đến các KDC khác trên địa bàn huyện; phối hợp Hội Cựu chiến binh huyện thực hiện mô hình Câu lạc bộ Môi trường cựu chiến binh tại 17 xã, thị trấn; phối hợp Hội Nông dân huyện thực hiện mô hình Tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tại Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê), duy trì và nhân rộng trên toàn huyện; phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thực hiện mô hình Phân loại rác tại nguồn tại xã Phước Vân, Tân Ân.
Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cần Đước - Phạm Thị Kim Tuyền, tiêu chí môi trường trong XDNTM được Phòng phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn thực hiện với nhiều mô hình hiệu quả. Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức BVMT của người dân, doanh nghiệp, thời gian tới, Phòng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về BVMT, phân loại rác thải tại hộ gia đình và tiêu chí môi trường trong XDNTM tại các xã NTM, NTM nâng cao; phối hợp các đoàn thể nhân rộng những mô hình BVMT hiệu quả, KDC tự quản về BVMT./.
Châu Thanh