Phủ xanh các tuyến đường
Công tác BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề nóng, luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Một trong những giải pháp hữu hiệu và tiết kiệm kinh tế để giải quyết vấn đề này là việc trồng cây xanh. Tại huyện Cần Đước, để phong trào trồng cây xanh lan tỏa, Huyện ủy, UBND huyện, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát động thực hiện nhiều tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Theo đó, các xã, thị trấn cũng chọn 1 tuyến đường điểm tại địa phương để trồng cây và xây dựng những mô hình xanh, sạch, đẹp.
Để phong trào trồng cây xanh lan tỏa, huyện Cần Đước phát động thực hiện nhiều tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cần Đước - Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Thực hiện kế hoạch trồng cây xanh, trung bình mỗi năm, huyện trồng 1.500-2.000 cây xanh trên các tuyến đường liên xã và tiếp tục phủ xanh thêm các tuyến đường nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Việc phủ xanh những tuyến đường góp phần tích cực trong thực hiện tiêu chí môi trường - tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới của địa phương”.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn bổ sung các chậu hoa, cây cảnh, cây lá màu trong khuôn viên, hành lang để tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp. Các ngành liên quan tích cực phối hợp trong công tác quản lý cây xanh dọc các tuyến đường trên địa bàn huyện để phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp cây trồng bị phá hoại.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phong trào trồng cây xanh lan tỏa sâu, rộng, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và người dân trong huyện. Điển hình như ngành Y tế tổ chức phong trào thi đua trồng và chăm sóc cây xanh, chậu cảnh, vườn hoa tạo không gian xanh mát cho cơ sở y tế. Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp Đoàn Thanh niên tổ chức phong trào “Giữ gìn trường em xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp Huyện Đoàn ra quân chiến dịch “Mùa hè xanh”.
“Trồng thêm một cây xanh là góp phần BVMT” vừa là khẩu hiệu, vừa là hành động của người dân Cần Đước. Thông qua các mô hình cụ thể như Đường quê an toàn; Xanh ngõ, đẹp nhà; công trình Đường xanh, nhà đẹp; chương trình Ngày Chủ nhật xanh, Ngày thứ bảy tình nguyện;... người dân tích cực tham gia trồng, chăm sóc và cắt tỉa cây che khuất tầm nhìn trên các tuyến đường giao thông nông thôn.
Vừa nhanh tay cắt tỉa cây hoàng yến trên tuyến đường giao thông ấp 2B, xã Tân Ân, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Trồng và chăm sóc cây xanh là hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn. Nhận thức rõ điều này nên tôi thường xuyên tham gia trồng, chăm sóc cây trên các tuyến đường giao thông trong ấp và vận động người thân, người dân xung quanh cùng thực hiện để góp phần BVMT, nâng cao chất lượng cuộc sống, cùng địa phương thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.
Nhờ sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, hiện tất cả các tuyến đường tỉnh, huyện, xã và đường giao thông nông thôn, khu vực đô thị trên địa bàn huyện đều được trồng cây xanh và trồng các cây hoa, kiểng,… để tạo bóng mát, mỹ quan xanh, sạch, đẹp.
Nhiều mô hình thiết thực
Không chỉ đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh, nhiều mô hình, hoạt động thiết thực góp phần thực hiện tiêu chí môi trường cũng được tích cực triển khai. Điển hình như mô hình Tái chế chất thải hữu cơ phụ phẩm nông nghiệp (ủ phân compost) do Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp Hội Nông dân huyện triển khai, thực hiện. Theo đó, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) được chọn làm điểm thực hiện mô hình.
Mô hình Xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình thu hút người dân tham gia
Phó Giám đốc phụ trách sản xuất HTX Rau an toàn Phước Hòa - Phan Hoàng Anh Tuấn cho biết: “HTX được hướng dẫn xây dựng bể ủ, hỗ trợ chế phẩm sinh học sử dụng trong quá trình ủ rác thải hữu cơ để tạo ra phân bón, rút ngắn thời gian ủ từ 3 tháng còn 1,5 tháng. Sau 3 tháng thực hiện, mô hình thu được 8 tấn phân bón hữu cơ, giảm được hơn 80% lượng rác thải hữu cơ hàng ngày không phải thu gom, vận chuyển đi xử lý, giúp HTX cũng như các thành viên tiết kiệm được chi phí và thời gian”.
Bên cạnh đó, mô hình Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình tái chế chất thải hữu cơ, phế phẩm nông nghiệp phát sinh ở khu vực nông thôn được người dân tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Bà Nguyễn Thị Dung (ấp 5, xã Phước Đông) cho biết: “Tham gia mô hình này, tôi được tập huấn phân loại, xử lý chất thải hữu cơ, chất thải rắn, cách sử dụng chế phẩm sinh học để ủ rác, sử dụng phân hữu cơ bón cho cây trồng,... và được tặng thùng xử lý rác hữu cơ. Tôi thấy mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực nên tích cực tham gia và vận động các hộ dân khác cùng tham gia nhằm góp phần BVMT, tạo không gian sống trong lành”.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng đến người dân về phân loại và xử lý riêng chất thải rắn sinh hoạt, chung tay giữ gìn vệ sinh, tham gia BVMT sống xanh, sạch, đẹp, phát huy ý thức cộng đồng. Cùng với đó là vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy chuyển sang sản xuất, phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường.
Từ những mô hình, hành động cụ thể của các cấp, các ngành, địa phương trong huyện đã từng bước nâng cao nhận thức, hành động của các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay BVMT, bảo vệ sự sống. Những hàng cây xanh mát trên các tuyến đường, rác thải được thu gom đúng nơi quy định góp phần tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp để vùng hạ Cần Đước mãi xanh và trở thành vùng đất đáng sống./.
Huỳnh Hương