Tiếng Việt | English

26/09/2016 - 11:28

Chương trình phối hợp tạo thêm nhiều cơ hội cho phát triển nông nghiệp

Qua 3 năm (2014-2016), chương trình hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM mở ra nhiều cơ hội cho mặt hàng nông sản của tỉnh.


Từ chương trình phối hợp sẽ giúp các mặt hàng nông sản của Long An có thêm nhiều cơ hội "góp mặt" tại thị trường TP.HCM

Từ chương trình phối hợp, 2 sở cũng phối hợp và thường xuyên trao đổi về tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng như: Mía, lúa, rau,... thông qua các thông báo sâu bệnh định kỳ hàng tuần, tháng, quí.

2 sở phối hợp giám sát thông tin 2 chiều về công tác kiểm dịch động vật, rõ nét nhất là công tác kiểm dịch vận chuyển giống gia súc, gia cầm. Long An tham gia các hội chợ, triển lãm do TP.HCM tổ chức. Qua các hội chợ, triển lãm, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giới thiệu những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp, các mô hình sản xuất hiệu quả cao, những nông sản chủ lực và sản phẩm nông nghiệp chế biến của tỉnh đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo về xúc tiến thương mại nông-lâm-thủy sản. Từ đó, tạo điều kiện để người sản xuất và doanh nghiệp trao đổi, tiến tới hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ổn định.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Lê Văn Hoàng, từ chương trình phối hợp, Long An cung cấp danh sách 28 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủy sản được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cho Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM. Ngoài ra, còn cung cấp danh sách 30 cơ sở giết mổ, sơ chế rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM.

Song song đó, Long An giới thiệu và tổ chức khảo sát Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa (được cấp giấy chứng nhận VietGAP), diện tích trồng 9ha với 23 thành viên tham gia cho Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM triển khai thực hiện Đề án “Chuỗi rau, quả an toàn”. 2 sở còn phối hợp tổ chức điều tra Bộ thuốc Bảo vệ thực vật tại hộ dân trồng rau và đại lý bán thuốc Bảo vệ thực vật trong mùa mưa và mùa khô.


Chương trình phối hợp giúp cho người dân nuôi tôm Long An tìm được đầu ra ở TP.HCM

Định kỳ hàng tuần, Chi cục Bảo vệ thực vật Long An thông báo tình hình dịch hại cho Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM. Theo đó, phối hợp kiểm tra 35 cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau, quả.

Cũng từ công tác phối hợp, 3 năm qua, 2 Sở còn phối hợp kiểm tra chống bơm nước vào cơ thể gia súc trước khi giết mổ (kiểm tra đầu ra của sản phẩm thịt). Đồng thời phối hợp kiểm tra 15 cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Thông tin định kỳ hàng tháng, hàng quí về công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. 2 sở còn hợp tác kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm như mẫu nhiễm dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật, kiểm tra dư lượng kháng sinh, vi sinh và chất tạo nạc; đồng thời, kiểm tra nhanh chỉ tiêu an toàn thực phẩm như chỉ tiêu hàn the, chất tăng trọng, nhiễm dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật.

Ngoài những công tác trên, 2 sở còn hợp tác trong lĩnh vực thủy lợi, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Cụ thể, hợp tác khai thác và vận hành công trình thủy lợi vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh, thành như hệ thống công trình thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh, hệ thống công trình thủy lợi Trị Yên - Rạch Chanh, hệ thống sông Cần Giuộc, hệ thống kênh tưới Phước Hòa. Kiểm soát, bảo vệ chất lượng nguồn nước, ngăn ngừa ô nhiễm, xâm nhập mặn trên tuyến cống Ông Cốm giáp ranh giữa huyện Bến Lức, tỉnh Long An và huyện Bình Chánh, TP.HCM để bảo đảm nguồn nước phục vụ bền vững sản xuất nông nghiệp và môi trường sống, thực hiện các dự án chống ngập. Phối hợp xử lý giải phóng mặt bằng phục vụ nạo vét rạch Ông Thoàn (Bến Lức). Đồng thời, còn ký kết kế hoạch liên tỉnh về phối hợp triển khai hoạt động vớt, xử lý lục bình, khai thông dòng chảy trên sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và các kênh, rạch giáp ranh TP.HCM.

“Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa tỉnh Long An và TP.HCM trong lĩnh vực nông nghiệp được lãnh đạo 2 sở tập trung chỉ đạo, xác định những nội dung trọng điểm để triển khai thực hiện. Hầu hết các nội dung hợp tác ký kết được các đơn vị triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp người sản xuất, kinh doanh nông sản có ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Từ nguồn thông tin 2 chiều, qua việc áp dụng các biện pháp và đưa ra các giải pháp” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Lê Văn Hoàng đánh giá.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Hoàng cũng cho rằng, công tác phối hợp giữa 2 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng còn những hạn chế như: Các hội chợ, triển lãm trưng bày gian hàng còn nhỏ hẹp, sản phẩm ít, chưa chú trọng việc kết hợp bán hàng tại hội chợ để giới thiệu sản phẩm cho khách tham quan; những sản phẩm được sản xuất theo quy trình GAP, sản xuất rau an toàn không nhận được nhiều sự quan tâm hoặc ưu tiên về giá từ nhà phân phối, bán lẻ thực phẩm ở TP.HCM nên chưa khuyến khích được nhiều người dân tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP;... ./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết