Chuyển đổi từ cây lúa sang trồng chanh mang lại hiệu quả kinh tế cao
Lợi nhuận cao
Trên địa bàn tỉnh, cây lúa chiếm ưu thế cả về năng suất lẫn chất lượng so với các loại cây trồng khác. Đặc biệt, những năm gần đây, lúa chất lượng cao ngày càng tăng trong tổng sản lượng lúa của tỉnh. Năm 2017, toàn tỉnh gieo sạ 526.718ha lúa, năng suất bình quân đạt 50,3 tạ/ha, sản lượng đạt 2,64 triệu tấn, trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao đạt 1,2 triệu tấn, chiếm 45% tổng sản lượng lúa. Dự kiến năm 2018, sản lượng lúa chất lượng cao đạt 1,3 triệu tấn, chiếm 48% tổng sản lượng lúa của tỉnh. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả, nông dân chuyển sang cây trồng khác. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa diễn ra mạnh mẽ, có trên 23.500ha đất lúa chuyển sang trồng thanh long, chanh, rau màu các loại, nuôi thủy sản,... mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, định hướng đúng theo quy hoạch của tỉnh và lợi thế từng vùng. Cụ thể, chuyển đổi sang trồng cây chanh 4.517ha, thanh long 7.029ha, bắp 992ha, rau màu 6.602ha. Có 35 tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp sản xuất theo quy trình GAP với diện tích 693,44ha (lúa 369,5ha; thanh long 126,44ha; rau các loại 92,1ha; chanh 77,2ha), sản lượng ước đạt trên 20.845,5 tấn (lúa 4.730 tấn, trái cây 8.079 tấn, rau 9.630,5 tấn).
Hiện toàn tỉnh có trên 10.300ha thanh long, tăng 7.400ha so với năm 2013 (2.838ha), lợi nhuận bình quân từ 200-400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8-10 lần so với cây lúa. Ông Nguyễn Văn Thủy (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) cho biết: “Gia đình tôi chuyển hơn 2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long. Hiệu quả kinh tế thanh long mang lại cao hơn lúa gấp nhiều lần. Hiện nay, rất nhiều nông dân chuyển từ cây lúa sang trồng thanh long với mong muốn được lợi nhuận cao”. Cây chanh có 9.056ha, tăng 4.339ha so với năm 2013 (4.339ha), lợi nhuận bình quân từ 75-200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3-8 lần so với cây lúa. Bên cạnh đó, hiện nay, sản xuất rau ƯDCNC (sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới,...) mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, một số loại cây trồng khác cũng mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với tình hình, sản xuất của địa phương như chuối, ổi, bưởi,... Hiện nay, toàn tỉnh có 706ha chuối, trong đó có 28,2ha được chứng nhận VietGAP. Đặc biệt, sản phẩm chuối Fohla của Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ) đã xuất sang Nhật Bản và mang lại lợi nhuận khá cao.
Chuyển đổi từ cây lúa sang trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Để nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, thời gian qua, phòng thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, công tác dự tính, dự báo về tình hình sâu, bệnh, diễn biến chất lượng nước được thực hiện chặt chẽ, kịp thời và thường xuyên”.
Để chuyển đổi hiệu quả
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Thời gian qua, các địa phương đều quan tâm đến việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp; nông dân chủ động tìm hiểu, liên hệ với các đơn vị chuyên môn để tư vấn chọn cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng từng vùng sinh thái để chuyển đổi hiệu quả hơn và ý thức hơn trong việc sản xuất bảo đảm yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm”.
Để hỗ trợ cũng như đẩy nhanh tiến trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao giá trị, chất lượng, thời gian tới, ngành tiếp tục rà soát quy hoạch cây trồng, vật nuôi để tổ chức lại sản xuất, trong đó chú trọng quy hoạch đồng ruộng hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; rà soát lại hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi bảo đảm cho việc tưới, tiêu, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, xây dựng sản xuất theo hướng chuỗi giá trị. Triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, tổ chức lại sản xuất; bảo đảm lộ trình đầu tư, quy trình sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Kim Khánh
Tập trung xây dựng HTX điểm ƯDCNC để đến năm 2019, mỗi địa phương trong vùng triển khai chương trình có 1 HTX. Hỗ trợ xây dựng điểm bán thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, phấn đấu trong năm 2018 thực hiện phiên chợ nông sản an toàn của tỉnh và mỗi địa phương có 1 điểm bán thực phẩm an toàn đa dạng các mặt hàng. Tập trung rà soát các danh mục công trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ chương trình gắn với rà soát tất cả nguồn kinh phí thực hiện, tập trung thực hiện các công trình trong năm 2018-2019.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười để làm đầu mối cung cấp dịch vụ ươm công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho công tác nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao trên lĩnh vực giống cây trồng và vật nuôi, bao gồm yêu cầu xây dựng hệ thống vệ tinh sản xuất nhân giống trong dân.
Tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp khác cả trong và ngoài nước trong việc phối hợp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tiết kiệm chi phí. Thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư hoạt động xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản của tỉnh. Phát huy vai trò của các cơ quan chuyên môn trong công tác định hướng các mặt hàng nông sản xuất khẩu, thị trường xuất khẩu. Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện thương mại trong việc cung cấp thông tin, kiến nghị và giới thiệu cơ hội xuất khẩu. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực của doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại để việc tham gia chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp./.
Huỳnh Phong