Tiếng Việt | English

14/11/2017 - 13:34

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Quy hoạch chưa kịp phát triển

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An mạnh dạn chuyển từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long, rau màu, bắp,... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít nông dân “tự ý” chuyển đổi cây trồng, phá vỡ quy hoạch sản xuất, ảnh hưởng đến đề án tái cơ cấu kinh tế của một số địa phương.


Nông dân chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long

Hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng hợp lý

Những năm gần đây, nông dân huyện Cần Giuộc phát triển mô hình trồng rau màu. Theo đánh giá của nông dân, nếu so với trồng lúa 3 vụ/năm thì người trồng màu có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 2-3 lần so với trồng lúa.

Ông Võ Quốc Việt, ngụ xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, cho biết, nhờ được địa phương tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất đưa màu xuống ruộng mà giờ đây, cuộc sống gia đình tương đối ổn định. Ông chuyển 8.000m2 đất trồng lúa sang trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, thu lợi hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn nuôi bò lấy thịt và bò giống, kiếm thêm vài chục triệu đồng mỗi năm.

Hiện nay, việc chuyển đổi từ lúa sang trồng thanh long không chỉ giúp nông dân phát triển kinh tế mà còn góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thanh long hiện là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao của huyện Châu Thành.

Ông Lê Đắc Vinh, ngụ xã Dương Xuân Hội, là một trong những nông dân tiên phong thực hiện mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng thanh long bằng trụ ximăng. Ông chia sẻ: “Sau những lần đi học tập kinh nghiệm, gia đình tôi từng bước chuyển 1ha đất lúa sang trồng thanh long ruột trắng, sản lượng bình quân đạt hơn 30 tấn/ha/năm, lợi nhuận gấp 4 lần so với trồng lúa”.

Năm 2003, ông bắt tay vào trồng thanh long ruột đỏ. Đến năm 2005, ông được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhân rộng. Ông Vinh cho biết thêm: “Ưu điểm của giống thanh long ruột đỏ là vào vụ thuận (từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch), cây ra trái tự nhiên, năng suất gần gấp đôi loại ruột trắng. Vụ nghịch (mùa xông đèn), năng suất chỉ bằng 2/3 giống ruột trắng nhưng giá bán cao gấp 2-3 lần”. Bình quân, 1ha thanh long ruột đỏ, ông thu lợi khoảng 1 tỉ đồng/năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng thông tin, đến nay, toàn tỉnh chuyển đổi gần 25.000ha đất lúa sang các loại cây trồng khác: Rau các loại, thanh long, chanh, bắp, mè, đậu phộng, dưa hấu,... Thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa (Quyết định số 580/QĐ-TTg, ngày 22-4-2014 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang cây màu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long), sở tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định mức hỗ trợ kinh phí mua hạt giống cây trồng để thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang màu với diện tích 5.185ha, tổng kinh phí trên 7,2 tỉ đồng.

Thông qua việc hỗ trợ này, nhiều địa phương triển khai, thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.


Nông dân mạnh dạn chuyển từ diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn

Chuyển đổi tự phát, phá vỡ quy hoạch

Hiện nay, nông dân huyện Thủ Thừa ồ ạt chuyển từ lúa, mía, mì,... sang thanh long, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, 9 tháng năm 2017, huyện có trên 150ha thanh long, tăng hơn 67ha so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở một số xã: Tân Thành, Nhị Thành, Bình Thạnh, Mỹ Phú, Mỹ An,...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Chót cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thủ Thừa lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) vẫn xác định cây lúa là cây chủ lực, chưa quy hoạch diện tích phát triển thanh long. Sở dĩ, diện tích cây thanh long ngày càng tăng do lợi nhuận từ thanh long khá cao nên nông dân chủ động chuyển đổi từ một số cây trồng kém hiệu quả. Việc phát triển nhanh loại cây trồng này phần nào ảnh hưởng đến quá trình canh tác của nông dân. Đặc biệt, đầu ra của sản phẩm chưa thật sự ổn định, nông dân phải tốn nhiều chi phí cho việc trung chuyển đến địa phương khác (huyện Châu Thành) để tiêu thụ”.

Từ hiệu quả kinh tế mà cây thanh long mang lại, thực hiện Chương trình hành động số 08-Ctr/HU, ngày 14-10-2016 của Huyện ủy Thủ Thừa về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 04-3-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thủ Thừa có chủ trương phát triển loại cây thanh long trên diện tích 1.400ha.

“Góp phần cho cây thanh long phát triển, huyện ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, thành lập tổ hợp tác thanh long, kêu gọi một số doanh nghiệp mở kho thu - mua thanh long tại khu vực sản xuất, giúp nông dân giảm chi phí vận chuyển, ổn định giá” - ông Nguyễn Văn Chót cho biết thêm.

Tân Trụ cũng có diện tích cây thanh long tăng đột biến. Theo quy hoạch, đến năm 2020, huyện phát triển 200ha thanh long nhưng hiện tại có trên 533ha; trong đó, có 206ha đang cho trái. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng khẳng định: “Hiện nay, tỉnh không khuyến khích Tân Trụ phát triển cây thanh long vì địa phương này thiếu nguồn nước ngọt bổ sung nhưng nông dân tự ý đào ao, hồ chứa nước tưới thanh long làm mất diện tích đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đề án tái cơ cấu kinh tế của địa phương”.


Nông dân trồng thanh long ở Tân Trụ đang đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô

Năm 2013, ông Phạm Văn Tý, ngụ xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, chuyển 7.000m2 đất canh tác lúa sang trồng thanh long ruột đỏ. Ông Tý cho rằng, trồng thanh long mang lại lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, hiện nay, người trồng ở khu vực này đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng, cây dừa được huyện chọn thực hiện tái cơ cấu cây trồng đến năm 2020 với diện tích 150ha. Đến nay, huyện hỗ trợ cây giống cho một số xã ven sông, trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng dừa: An Nhựt Tân, Đức Tân, Tân Phước Tây,... với diện tích 66ha. Còn về cây thanh long, hiện tại, diện tích phát triển vượt quá quy hoạch của huyện.

Rõ ràng, công tác quy hoạch chưa theo kịp phát triển và sự tự chuyển đổi cây trồng của người dân cho thấy quy hoạch bị phá vỡ, gây ra nhiều khó khăn cho địa phương.

Ưu tiên cây trồng có giá trị kinh tế cao

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - Lê Văn Hoàng, hiện nay, tỉnh tiếp tục chuyển đổi diện tích sản xuất lúa ở những vùng thấp, điều kiện sản xuất khó khăn sang cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt, đầu tư phát triển các vùng sản xuất chuyên canh; đổi mới phương thức sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị;...

Tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, xây dựng vùng sản xuất lúa 20.000ha ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa chất lượng cao xuất khẩu 40.000ha ở các huyện, thị xã Đồng Tháp Mười.

Đồng thời, tỉnh triển khai chương trình giống nông nghiệp, phấn đấu đạt 70-85% diện tích lúa dùng giống xác nhận, hoàn thiện đồng bộ các trại giống với mô hình hệ thống vệ tinh nhân giống trong dân và doanh nghiệp; phát triển ổn định vùng trồng thanh long, trong đó, xây dựng 3.000-4.000ha xuất khẩu kết hợp tiêu chuẩn hóa và hệ thống kho vận, chợ nông sản; xây dựng lộ trình phát triển rau, trong đó có hơn 2.000ha vùng rau màu an toàn tiến đến đạt chuẩn VietGAP; phát triển vùng trồng mè ở Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và bắp ở Đức Hòa,...

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý góp phần mang lại kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, đồng thời thể hiện bước đi đúng đắn của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác giảm nghèo bền vững, đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới trên địa bàn./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết