Tiếng Việt | English

31/07/2018 - 11:22

Những nông dân dám nghĩ, dám làm

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cần cù, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

1. Anh Lê Văn Thanh, ngụ ấp Tre 1, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An thành công với mô hình nuôi lươn thương phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Anh Thanh cho biết: “Trong một lần về thăm bà con ở tỉnh Đồng Tháp, thấy người dân nơi đây nuôi lươn thương phẩm hiệu quả nên tôi học hỏi kinh nghiệm. Năm 2016, tôi xây bồn và mua 1.500 con lươn giống về nuôi. Sau 9 tháng nuôi thử nghiệm, tôi lãi gần 10 triệu đồng”.

Năm 2017, anh mở rộng diện tích, tăng lên 5.000 con lươn. Anh chịu khó bắt ốc, cá làm thức ăn cho lươn để giảm chi phí đầu tư. Nhờ vậy, sau khi bán, trừ chi phí, anh lãi gần 40 triệu đồng. Theo anh Thanh, nuôi lươn không tốn nhiều diện tích đất nhưng lúc nào cũng phải bảo đảm nước từ 20-40cm, có hệ thống van để xả, cấp nước; mỗi ngày cho lươn ăn một lần và thay nước mỗi tuần. Trung bình sau khoảng 9 tháng thả nuôi, lươn đạt trọng lượng từ 400-500 gram/con, bán với giá từ 120.000-130.000 đồng/kg.

Mô hình nuôi lươn của anh Lê Văn Thanh mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, người nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên rất cần các ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về nuôi lươn.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Điền - Nguyễn Văn Toàn cho biết, mô hình nuôi lươn thương phẩm đang phát triển mạnh ở địa phương. Theo thống kê, trên địa bàn có khoảng 70 hộ nuôi, bình quân 3.000-5.000 con/hộ. Đa số hộ nuôi lươn đều có lợi nhuận cao.

Anh Trần Văn Dừa chăm sóc vườn xoài của mình

Anh Trần Văn Dừa chăm sóc vườn xoài của mình

2. Anh Trần Văn Dừa (SN 1967), ngụ ấp Rọc Đô, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, là một trong những nông dân cần cù, chịu khó, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình.

Anh Dừa từng trăn trở, muốn vượt qua khó khăn phải thay đổi cách thức sản xuất, không thể độc canh cây lúa mà phải thâm canh, kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt. Với phương châm “lấy công làm lời, sống tiết kiệm”, vợ chồng anh thuê đất sản xuất lúa, chăn nuôi. Sau một thời gian tích góp, anh mua được hơn 5ha đất để canh tác. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật nên sản xuất đạt hiệu quả, năng suất lúa từ 6-8 tấn/ha/vụ. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Không chỉ canh tác lúa, năm 2016, anh vay hơn 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cộng với nguồn vốn của gia đình, đầu tư trồng 1,3ha xoài cát Hòa lộc và 100 gốc dừa. Anh Dừa cho biết: “Thấy mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc ở tỉnh Đồng Tháp mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi học hỏi, mua giống về trồng. Ngoài ra, tôi còn nuôi cá, trồng cỏ nuôi 4 con bò, nuôi gà đất với thu nhập tăng thêm trên 20 triệu đồng/năm”.

Nhờ sản xuất hiệu quả, gia đình anh vượt qua nghèo khó, ổn định cuộc sống. Nhìn vợ chồng anh cần cù lao động, ruộng sớm đồng trưa mới cảm nhận hết ý chí, nghị lực của một nông dân với ước mơ làm giàu bằng đôi tay và khối óc của mình.

3. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của địa phương, bà Nguyễn Thị Ánh (SN 1956), hội viên nông dân (HVND) khu phố 1, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, có thu nhập từ 220-250 triệu đồng/năm.

Bà Ánh chia sẻ: “Trước đây, kinh tế của gia đình chủ yếu nhờ vào canh tác 4ha lúa. Tuy nhiên, trồng lúa không ổn định nên gia đình tôi suy nghĩ, phải tìm hướng đi mới”.

Nghĩ là làm, bà quyết định trồng 5.000m2 rau màu và đào 400m2 ao thả cá. Trên mặt ao, bà trồng thêm rau nhút, xung quanh trồng bạc hà, sả. Các loại rau bà trồng chủ yếu cung cấp cho các quán ăn lớn trên Quốc lộ 62, chợ Tuyên Nhơn,... Sở dĩ, rau của bà thu hút được khách hàng vì không sử dụng thuốc hóa học, chỉ bón phân vi sinh nên bảo đảm an toàn. Mỗi ngày, bà thu nhập 500.000-700.000 đồng.

Với sự cần cù, chịu khó, tích góp, cố gắng vươn lên, năm 2015, gia đình bà xây dựng được ngôi nhà mới khang trang. Ngoài ra, bà còn mua máy cày, máy bơm,... phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhiều năm liền, bà Ánh đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Bà Ánh bộc bạch: “Có cuộc sống ổn định như hiện nay, tôi và gia đình tích cực lao động, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, gia đình nắm bắt nhu cầu thị trường để trồng loại cây phù hợp, mang lại hiệu quả”.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm và cần cù, sáng tạo, nhiều nông dân thành công, vươn lên làm giàu chính đáng./.

Văn Đát-Hữu Trung-Thanh Hà

Chia sẻ bài viết