Tiếng Việt | English

01/09/2018 - 19:50

Chuyện người hiến đất xây dựng khu di tích Đồng 41

Cơ thể không được lành lặn sau vụ thảm sát tại Đồng 41 vào năm 1967 nhưng bà Du Thị Đông, ngụ ấp Tây Nam, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, vẫn vươn lên trong cuộc sống. Bà hiến đất, di dời nhà chính để địa phương xây dựng khu di tích Đồng 41.

Bà Du Thị Đông (bìa phải) chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tại lễ khánh thành Bia tưởng niệm Đồng 41

Bà Du Thị Đông (bìa phải) chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tại lễ khánh thành Bia tưởng niệm Đồng 41

Nhân chứng  trong vụ thảm sát

Men theo con đường sỏi đỏ, đi xuồng qua bên kia sông, chúng tôi tìm về di tích Đồng 41 tại xã Tân Hòa. Nơi đây, hơn 50 năm trước, từng diễn ra trận thảm sát. Nhìn về phía những ngôi mộ được chôn cất bên cánh đồng, bà Du Thị Đông - người may mắn sống sót trong vụ thảm sát năm xưa, đượm buồn: “Lúc đó, tôi khoảng 8 tuổi, trong nhà có 8 người và 1 phụ nữ mang thai. Mỹ và quân chư hầu Nam Triều Tiên lôi các thành viên trong gia đình tôi ra đìa trước nhà và lần lượt bắn. Bị bắn vào tay và ngã xuống bất tỉnh, tôi may mắn sống sót, được người dân băng bó vết thương và đưa về tỉnh Tiền Giang điều trị”. 

Năm 1967, sau những lần thất bại trước quân và dân ta, quân Mỹ mở cuộc tập kích vào xã Hậu Mỹ (nay là xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), giáp ranh xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh. Lần này, bọn chúng tiếp tục bị tổn thất trước sự đánh trả quyết liệt của du kích và lực lượng vũ trang địa phương. Ngày 19/6/1967, giặc Mỹ và quân chư hầu Nam Triều Tiên đổ quân càn quét vào khu vực này. Chúng xả súng, bắn vào người dân,... Đau thương, tang tóc bao trùm lên xóm nhỏ heo hút. 41 người dân vô tội của 2 xã Tân Hòa và Hậu Mỹ Bắc B bị giết hại, trong đó có người đang mang thai. Nhiều gia đình không một ai sống sót. 

“Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc về vụ thảm sát năm xưa, tim tôi luôn đau nhói. Chỉ trong chốc lát, tôi bỗng mồ côi, không nơi nương tựa, cuộc sống vô cùng khó khăn,...” - bà Đông ngậm ngùi. 

Nguyện trông coi di tích

Em bé trong vụ thảm sát năm xưa, giờ gần 60 tuổi. Ngày ấy, tuy may mắn sống sót nhưng cô bé Du Thị Đông bị mất đi cánh tay trái bởi sự tàn ác của kẻ thù. Bà từng lập gia đình nhưng hạnh phúc không trọn vẹn. Chia tay chồng, bà một mình nuôi dạy 2 người con. Người phụ nữ với thân thể không lành lặn, trải qua nhiều biến cố, đau thương nhưng vẫn mạnh mẽ, lạc quan trong cuộc sống. 
Từ lâu, bà Đông mang tâm nguyện xây dựng bia tưởng niệm những người đã mất trong vụ thảm sát năm xưa. “Khi được biết Nhà nước có chủ trương xây dựng bia tưởng niệm, tôi và những gia đình có người thân trong vụ thảm sát đều phấn khởi. Đây là bằng chứng hùng hồn, minh chứng tội ác của quân xâm lược, ca ngợi ý chí quyết tâm bám đất, bám làng của người dân trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Hơn nữa, người thân, họ hàng đều mất trong vụ thảm sát nên tôi nguyện trông coi, bảo quản bia tưởng niệm”. 

Khi có chủ trương xây dựng bia tưởng niệm, bà Đông hiến 1.100m2 đất và di dời nhà chính. “Việc hiến đất xây dựng bia tưởng niệm để cho con cháu hiểu hơn về lịch sử. Tôi dặn con và cháu nội phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bia tưởng niệm” - bà chia sẻ.

Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Trần Văn Trước cho biết: “Bia tưởng niệm được xây mới, trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, nhắc nhở các thế hệ mai sau không được quên những mất mát, đau thương của chiến tranh. Từ đó, chúng ta càng trân trọng, giữ gìn nền độc lập dân tộc”. 

Dự lễ khánh thành Bia tưởng niệm Đồng 41 vào tháng 7/2018, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cho rằng, hành động của gia đình bà Đông là nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc. Nguyên Chủ tịch nước biểu dương, ghi nhận tình cảm, tấm lòng của bà. Ông hy vọng gia đình bà cũng như địa phương ra sức giữ gìn, trông coi, bảo quản bia tưởng niệm.

Chiến tranh lùi xa, nơi xảy ra vụ thảm sát năm xưa giờ là xóm làng trù phú, ruộng đồng màu mỡ nhưng nỗi đau vẫn còn âm ỉ trong những gia đình có người thân bị sát hại. Và hành động của bà Đông làm ấm lòng những người đã khuất!

Bà Du Thị Đông nhận bằng khen vì có thành tích đóng góp cho công tác xã hội

Năm 1994, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ kinh phí, phối hợp UBND huyện Tân Thạnh xây dựng bia tưởng niệm. Đến năm 1995, UBND tỉnh công nhận Đồng 41 là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Do thời điểm này, đường sá đi lại khó khăn nên bia được xây dựng tại trung tâm xã Tân Hòa, cách nơi xảy ra vụ thảm sát khoảng 6km. Đến năm 2010, bia tưởng niệm xuống cấp, lại nằm trong phạm vi giải tỏa để mở rộng, nâng cấp lộ Tân Hòa nên được di dời, đặt tạm vào Nhà bia ghi tên anh hùng liệt sĩ của xã. 

Theo nguyện vọng của các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ và người dân địa phương, nhất là tâm nguyện của những gia đình có thân nhân là nạn nhân trong vụ thảm sát này, mong muốn xây dựng lại Bia tưởng niệm Đồng 41. Tháng 01-2018, công trình được xây dựng với tổng kinh phí trên 1,2 tỉ đồng. Trong đó, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động Binh đoàn 16 - Bộ Quốc phòng hỗ trợ 500 triệu đồng, phần còn lại do ngân sách huyện đầu tư. Gia đình bà Du Thị Đông tự nguyện di dời nhà và hiến đất để xây dựng công trình. 

Với những việc làm đó, bà Đông được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích đóng góp cho công tác xã hội; khen thưởng cấp tỉnh trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2018./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích