Ký ức người còn lại
Năm 1967, sau những thất bại ở Núi Thành, đế quốc Mỹ lao sâu vào chiến tranh cục bộ. Ở Kiến Tường, chúng điên cuồng mở rộng các cuộc càn quét vào các vùng trọng điểm.
Ngày 26/6/1967, Đại đội quân biệt kích cùng với 2 tiểu đội lính chư hầu Nam Triều Tiên do cố vấn Mỹ chỉ huy mở cuộc tập kích vào xã Hậu Mỹ (thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang ngày nay) nhằm biến nơi đây thành vùng trắng. Tuy nhiên, chúng bị thất bại nặng nề trước sự đánh phá của lực lượng vũ trang địa phương.
Ngày xưa, nơi đây cây cối um tùm, giờ đây là những cánh đồng lúa và những ngôi mộ còn rải rác
Thất bại trước sự kiên cường đánh trả, bám đất, bám làng của quân dân nơi đây, ngày 27/6/1967, đế quốc Mỹ cho quân đổ bộ vào 2 xã Tân Hòa (huyện Tân Thạnh) và Hậu Mỹ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) quyết tâm thực hiện hành động trả thù đê hèn cho trận thua vừa rồi.
Tại đây, chúng đến từng nhà bắt mọi người ra ngoài rồi xả súng giết chết 21 người ở xã Tân Hòa và 20 người ở xã Hậu Mỹ, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, trong đó có những người đang mang thai.
Bà Du Thị Đông ở ấp Tây Nam, xã Tân Hòa là người may mắn sống sót trong trận thảm sát. Bà nhớ lại: “Lúc đó, tôi được 10 tuổi, trong nhà có 8 người và 1 phụ nữ mang thai. Chúng lôi gia đình tôi ra cái đìa trước nhà và lần lượt bắn chết hết. Tôi bị bắn vào tay và ngã xuống bất tỉnh. Tôi may mắn sống sót, được người dân băng bó vết thương và đưa về tỉnh Tiền Giang điều trị”.
Gia đình bà Trần Thị Đầy (81 tuổi, ấp Tây Nam, xã Tân Hòa) may mắn hơn những gia đình khác khi quân Ngụy không ghé vào. Lúc đó, ông ngoại bà là người lớn tuổi nhất trong ấp thấy quân lính kéo đến tàn sát người dân nên ra năn nỉ xin tha cho người vô tội, vậy mà chúng cũng thẳng tay bắn chết ông.
Đến 4 giờ chiều, sau khi không còn nghe tiếng súng, gia đình bà Đầy ra khỏi nhà thì thấy bà con xung quanh đều bị bắn chết hết, nước trong đìa trở thành màu đỏ, không khí tan thương bao trùm, ai ai cũng căm thù và giận dữ.
Mong được xây dựng bia tưởng niệm
Trước năm 1967, cánh đồng này vẫn như bao cánh đồng khác - không có tên gọi rõ ràng. Sau khi cuộc thảm sát xảy ra, không ai bảo ai, mọi người đều gọi đây là Đồng 41 để nhắc nhở thế hệ sau nhớ đến sự tàn ác, khát máu của quân cướp nước. Hòa bình lập lại, người dân tiếp tục chiến đấu trên mặt trận sản xuất góp phần làm giàu cho quê hương.
Bà Du Thị Đông (bìa phải) là người may mắn sống sót trong trận thảm sát
Năm 1994, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp huyện Tân Thạnh xây Bia căm thù tại xã Tân Hòa để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và tưởng nhớ những người đã khuất trong trận thảm sát năm xưa.
Ông Trần Văn Cự ở ấp Tây Nam cho biết: “Khi Bia căm thù được xây lên, người dân hết sức phấn khởi, bởi, nó là bằng chứng hùng hồn, chứng minh tội ác của quân xâm lược và ca ngợi ý chí quyết tâm bám đất, bám làng của người dân trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm”.
Tuy nhiên, do Bia căm thù nằm ngay trên phần đất được xây dựng đường giao thông nông thôn nên địa phương tháo dỡ. Ngày nay, người dân xã Tân Hòa rất mong muốn có được một khu di tích về cuộc thảm sát 41 người dân vô tội nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Bà Du Thị Đông luôn tâm nguyện có được một nơi thờ cúng những người đã khuất. Bà sẵn sàng hiến 1000m2 đất thổ cư để xây dựng khu di tích. Chủ tịch UBND xã Tân Hòa – Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Địa phương đã đề nghị các cấp hỗ trợ kinh phí xây dựng Khu di tích Đồng 41 và đang được xem xét”.
Chiến tranh dần lùi xa nhưng những người còn lại vẫn luôn trăn trở và hy vọng khu di tích sớm được khởi công xây dựng./.
Lê Ngọc