Tiếng Việt | English

04/05/2021 - 14:55

Chuyện về những "kỹ sư" cầu, đường chân đất

Ở ấp Phụng Thớt, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An có một nhóm lão nông với độ tuổi từ 50 trở lên chuyên đi sửa chữa, giặm vá cầu, đường miễn phí. Và chính việc làm, hành động ý nghĩa này, họ được người dân nơi đây ưu ái gọi với tên: Những "kỹ sư" cầu, đường chân đất.

Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu đường ấp Phụng Thớt tự hào khoe về những thành quả mà họ đã làm được trong thời gian qua

Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu đường ấp Phụng Thớt tự hào khoe về những thành quả mà họ đã làm được trong thời gian qua

Trong cái nắng gay gắt của tháng 5, tại 1 cây cầu trong ấp Xóm Cò, xã Nhơn Ninh có khoảng 20 lão nông đang nói, cười rộn rã hòa lẫn với tiếng trộn bê tông hay tiếng máy hàn, tiếng búa đập chan chát vào nhau. Theo quan sát, trong 20 lão nông này thì có trên 15 người đã ngoài 50 tuổi. Mỗi người đều được phân công việc làm khác nhau, tùy theo độ tuổi và sức khỏe. Người khỏe thì khiêng đá, cát, xi măng, còn người già thì xách nước để trộn hồ, thợ hàn thì đo khung để làm lan can cầu.

Nhớ lại những ngày đầu khi mới thành lập, ông Trần Văn Thành - Tổ trưởng Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu, đường ấp Phụng Thớt, nói: “Thấm thoát, Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu, đường ấp Phụng Thớt thành lập cũng gần 10 năm. Lúc đó, tôi thấy mỗi khi trời mưa là đường thường xuất hiện “ổ voi”, “ổ gà”, người dân đi lại rất vất vả, nhất là mấy cháu học sinh. Vì vậy, tôi mới rủ mấy người hàng xóm thân thiết là ông Đoàn Văn Dũng và ông Lê Văn On cùng nhau giặm vá lại con đường cho tươm tất, phục vụ người dân đi lại thuận tiện. Rủ vậy đó, ai ngờ mấy ông bạn tôi ai cũng hứng thú vác cuốc, xẻng đi làm liền”.

Việc làm ý nghĩa, câu chuyện nghĩa tình của ông Thành, ông Dũng và ông On nhanh chóng được lan tỏa, kết nối những tấm lòng tử tế lại với nhau. Và từ 3 thành viên ban đầu, đến nay, Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu, đường ấp Phụng Thớt có gần 20 lão nông. Ông Nguyễn Văn Ba (thành viên Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu, đường ấp Phụng Thớt) tự hào nói: “Năm nay, tôi hơn 80 tuổi rồi nhưng chỗ nào giặm vá, sửa chữa cầu, đường là có tôi xuất hiện ngay. Công việc của tôi rất đơn giản là chuyền nước cho mấy ông bạn, khi nào mệt thì nghỉ ngơi. Các thành viên trong tổ chủ yếu là người cao tuổi, nhưng chúng tôi nghĩ đơn giản là mình già làm được gì có ích thì cứ làm, vậy thì cứ vui đi đừng suy nghĩ nhiều”.

Hầu hết những thành viên trong Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu, đường ấp Phụng Thớt đều là các lão nông nên không am hiểu về kỹ thuật sửa chữa, giặm vá cầu, đường; chỉ làm thủ công, không có máy móc, thiết bị. Chia sẻ với những khó khăn này, nhất là góp phần cho cái đẹp được lan tỏa trong cuộc sống, chính quyền địa phương, nhà hảo tâm đã đóng góp tiền cho tổ mua máy trộn bê tông cùng nhiều trang thiết bị phục vụ công việc. Đặc biệt, nhiều người vốn là thợ hồ chính, thợ hàn, thợ điện cũng chủ động hỗ trợ về mặt kỹ thuật khi tổ gặp khó khăn.

Nhìn các lão nông hì hục “băng bó vết thương” trên tuyến đường và hàn lan can cầu, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, ngụ ấp Phụng Thớt, cho biết: “Lúc trước chưa có lan can cầu hay chưa giặm vá lại dốc cầu, người dân qua, lại thường hay bị té, thậm chí cả người và xe rơi xuống sông. Còn từ khi Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu, đường ấp Phụng Thớt đến làm lan can, giặm vá lại dốc cầu thì người dân đi lại rất thuận tiện”.

Thời gian qua, Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu đường ấp Phụng Thớt đã "băng bó lại nhiều vết thương" trên các tuyến đường giao thông nông thôn

Thời gian qua, Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu đường ấp Phụng Thớt đã "băng bó lại nhiều vết thương" trên các tuyến đường giao thông nông thôn

Cách đây 6 năm, người dân ấp Xóm Cò, xã Nhơn Ninh góp tiền xây cây cầu bắc qua sông, phục vụ nhu cầu đi lại cho khoảng 100 hộ. Theo đó, cây cầu được xây dựng bằng sắt, không có lan can, dốc thẳng đứng. Điều này làm cho việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn rất nguy hiểm. Sau khi nghe người dân phản ánh, Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu, đường ấp Phụng Thớt tiến hành khảo sát và vận động người dân gần 10 triệu đồng sửa chữa lại cầu. Bà Trần Thị Lan, ngụ ấp Xóm Cò, xã Nhơn Ninh, bộc bạch: “Sửa lại cây cầu là niềm ước ao mà người dân nơi đây ấp ủ nhiều năm qua. Có mấy chú tới sửa chữa lại cầu, người dân chúng tôi mừng hết sức”.

Ngoài giặm vá và sửa chữa lại cầu, đường trong xã, Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu, đường ấp Phụng Thớt còn giặm vá, sửa chữa các cầu, đường trong huyện và ngoài tỉnh. Được biết, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, tổ đã góp gần 500 ngày công và 100 triệu đồng sửa chữa cầu, đường. Không dừng lại ở đó, khi thấy người nghèo gặp khó khăn, tổ còn phối hợp Hội Người cao tuổi xã vận động 750 phần quà và 2 căn nhà tình thương tặng cho người nghèo, với tổng số tiền gần 200 triệu đồng.

Ông Đoàn Văn Dũng (thành viên Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu, đường ấp Phụng Thớt) cho biết: “Điều trăn trở của tổ hiện nay là các thành viên đã lớn tuổi, cần lực lượng trẻ tham gia; đồng thời, nguồn kinh phí hoạt động rất ít, không có nhiều tiền để sửa chữa, giặm vá nhiều cầu, đường. Hy vọng thời gian tới, tổ sẽ có nhiều người biết đến để có thêm nguồn kinh phí hoạt động”.

Chỉ cần có tấm lòng, uy tín thì việc làm từ thiện rất đơn giản, ai cũng làm được. Và Tổ Giặm vá và sửa chữa cầu, đường ấp Phụng Thớt, xã Nhơn Ninh đã và đang làm được điều này, góp phần tạo thuận tiện cho người dân trong đi lại. Điều này càng khẳng định, họ xứng đáng được người dân gọi là những "kỹ sư" cầu, đường chân đất./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết