Tiếng Việt | English

07/02/2016 - 15:28

Đường Vành đai TP.Tân An: Công trình động lực phát triển KT-XH

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định 3 công trình trọng điểm, trong đó có Đường Vành đai TP.Tân An (gồm cả cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây). Đây là tuyến đường văn minh đô thị của thành phố, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.

 

Ảnh: MHD

TP.Tân An là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật của tỉnh, đầu mối giao thông quan trọng kết nối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy, việc nâng cấp, chỉnh trang đô thị và đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông theo tiêu chuẩn đường đô thị rất cần thiết.

Ngày 14-7-2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU và HĐND tỉnh có Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng và phát triển TP.Tân An giai đoạn 2011-2020. Trong đó, tập trung hoàn chỉnh hệ thống giao thông-vận tải nội thành nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH, sớm đạt các tiêu chí hạ tầng đô thị loại II.

Dự án đường Vành đai được HĐND tỉnh khóa VIII thông qua chủ trương đầu tư bằng Nghị quyết số 215/NQ-HĐND về đầu tư dự án đường Vành đai TP.Tân An và dự án cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. Đây là bước tiến quan trọng để cụ thể hóa quy hoạch phát triển KT-XH TP.Tân An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, quy hoạch chung xây dựng TP.Tân An đến năm 2030, tầm nhìn sau năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo đó, tuyến đường có tổng chiều dài 16.366,6m; đi qua địa phận các xã, phường: Lợi Bình Nhơn, Khánh Hậu, Tân Khánh, phường 7, An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Nhơn Thạnh Trung. Điểm đầu tại ngã ba đường Phan Văn Tuấn và đường Nguyễn Văn Quá (xã Lợi Bình Nhơn), điểm cuối giáp ngã ba Đường tỉnh 833 và đường Trần Minh Châu (xã Nhơn Thạnh Trung). Quy mô được thiết kế đồng bộ gồm: Mặt đường có 6 làn xe, vỉa hè hai bên, dải phân cách trồng cây xanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm là tuyến đường văn minh đô thị của thành phố.

UBND tỉnh giao UBND TP.Tân An làm chủ đầu tư dự án đường Vành đai; riêng cầu qua sông Vàm Cỏ Tây và đường dẫn vào cầu, chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải. Với việc phân kỳ thực hiện dự án, công trình này được phân tích đầu tư trên cơ sở có cơ cấu vốn hợp lý, nguồn vốn gồm: Vốn trái phiếu chính quyền địa phương; vốn huy động các nhà đầu tư cùng Nhà nước giải phóng mặt bằng kết hợp khai thác quỹ đất theo thiết kế đô thị dọc hai bên tuyến đường; vốn vận động ODA từ chương trình nâng cấp đô thị Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng và vốn ngân sách địa phương.

Về giao thông, đường Vành đai sau khi hoàn thành sẽ giảm bớt áp lực trên các tuyến Quốc lộ 1, tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP.Tân An và trục đường Hùng Vương, chuyển hướng lưu thông vận tải ra các vùng ven ngoại thành. Từ đó, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, tránh ùn tắc vào các dịp lễ, tết; tạo trục giao thông liên hoàn xuyên suốt nối liền giữa các khu đô thị trung tâm thành phố (phường 1, 2, 3, 4, 6, 7 và xã Bình Tâm) với khu đô thị phía Bắc (phường 5, xã Hướng Thọ Phú, Nhơn Thạnh Trung) và khu đô thị phía Nam (phường Tân Khánh, Khánh Hậu, xã Lợi Bình Nhơn, An Vĩnh Ngãi); đồng thời, tạo mối quan hệ gắn kết, giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, kết nối với tuyến đường sắt đô thị (xã Khánh Hậu) và ga đường sắt TP.HCM-Cần Thơ (xã Bình Tâm) theo quy hoạch.

Về phát triển đô thị, công trình xây dựng đường Vành đai là cơ sở quan trọng giúp chính quyền thành phố quản lý tốt về cảnh quan, kiến trúc, về quy hoạch xây dựng; tuyến đường quy hoạch mới sẽ tạo ra quỹ đất để chỉnh trang và mở rộng nội thành. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, là điều kiện để các quy hoạch hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đạt hiệu quả, thể hiện được chiến lược phát triển đô thị theo hướng đồng tâm, lan tỏa có kiểm soát và phân vùng.

Về phát triển KT-XH, dự án góp phần thực hiện chỉnh trang, quy hoạch, bố trí các khu dân cư đô thị, hình thành các khu thương mại, dịch vụ, công viên cây xanh theo quy hoạch; triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch ngành như: Quy hoạch sử dụng đất, đề án nông nghiệp ven đô, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đường Vành đai TP.Tân An là trục liên kết vùng tác động phát triển lan tỏa đến các địa phương giáp ranh như: Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, góp phần nâng cao chất lượng và cuộc sống của người dân trong khu vực.

Đường Vành đai TP.Tân An dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2016 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2020, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực để phát triển, sớm đưa thành phố trở thành đô thị loại II trước năm 2020 theo Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Tân An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020).

Đường Vành đai TP.Tân An dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2016 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2020, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực để phát triển, sớm đưa thành phố trở thành đô thị loại II trước năm 2020.

Trần Kim Lân (Bí thư Thành ủy Tân An)

Chia sẻ bài viết
  • Con đường nầy mang đến niềm vui và hạnh phúc của người dân TP.Tân An. Xin cám ơn Đảng và Nhà nước.

    Trần Phi Công - Cách đây 8 năm