Còn khỏe, còn làm
Ngày cuối tuần, chúng tôi được nghe lãnh đạo UBND xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh kể về đôi vợ chồng già gần 70 tuổi ở ấp 5 tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, đó là ông Đặng Văn Cam và bà Võ Kim Ngọc. Để minh chứng cho lời kể, lãnh đạo UBND xã Tân Thành đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Cam, bà Ngọc.
Với ý chí, nghị lực và tấm lòng sẻ chia, vợ chồng ông Đặng Văn Cam, bà Võ Kim Ngọc chủ động viết đơn ra khỏi hộ nghèo
Trong căn nhà đơn sơ vừa cất xong, chúng tôi được nghe ông Cam, bà Ngọc chia sẻ về nguyên nhân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo khi cả hai vợ chồng đều lớn tuổi, nhà không có đất sản xuất, đồng thời phải nuôi 2 đứa cháu ngoại. Nhấp ngụm trà, bà Ngọc nói: “Cuối năm 2019, gia đình tôi viết đơn ra khỏi hộ nghèo, nhiều người nói vợ chồng tôi sĩ diện, làm chuyện dại dột. Thế nhưng, đối với vợ chồng tôi, việc làm đó rất có ý nghĩa, bởi Đảng và Nhà nước đã giúp đỡ gia đình quá nhiều. Trong khi kinh tế gia đình cũng dần ổn định, hơn hết vợ chồng tôi còn khỏe là còn làm, vì vậy nhường sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cho người khó khăn hơn là việc nên làm”.
Không chỉ viết đơn ra khỏi hộ nghèo, điều chúng tôi trân trọng và cảm phục đôi vợ chồng già này còn bởi bà Ngọc tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở địa phương. Bằng tấm lòng sẻ chia với người khó khăn hơn, hàng tháng, bà chạy xe hàng chục kilômét nhận 50kg gạo ở chùa Giác Hoa (xã Hậu Thạnh Đông) về trợ cấp cho những người nghèo trong xóm và tự nguyện nhận tiền trợ cấp xã hội của Nhà nước đem đến tận nhà trao cho người khuyết tật không đi lại được. Còn khi phát hiện những hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài xã, bà cùng các thành viên trong tổ từ thiện không ngại nắng, mưa, vất vả, tích cực vận động nhà hảo tâm giúp đỡ, trong đó chủ yếu là xây dựng nhà tình thương.
Bà Trần Thị Thu - Tổ trưởng Tổ Từ thiện ấp 5, xã Tân Thành, cho biết: “Dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng bà Ngọc rất có tâm với công tác từ thiện, nhân đạo ở địa phương. Nhiều lần chúng tôi thấy nhà của bà xuống cấp, muốn hỗ trợ gia đình xây nhà nhưng bà Ngọc nhất định từ chối, vì nói còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình cần được hỗ trợ. Hay những lần bà Ngọc nhận quà vào các dịp lễ, tết đều không mang hết về nhà mà chừa lại một phần đem tặng người nghèo neo đơn, không đi lại được. Tấm lòng, nghĩa cử của bà Ngọc thật đáng trân trọng!”.
Trò chuyện một hồi lâu, chúng tôi mới biết, bà Ngọc bị bệnh hẹp động mạch vành tim cách đây 1 năm. Nếu vẫn trong danh sách hộ nghèo, chắc chắn bà được hưởng chế độ bảo hiểm y tế,... khi khám, chữa bệnh thì phần nào sẽ vơi bớt chi phí cho gia đình. Song, không vì cái lợi trước mắt mà gia đình ông Cam, bà Ngọc đánh mất đi lòng tự trọng.
Trải qua hơn nửa đời người, vợ chồng ông Cam, bà Ngọc đã nếm trải, thấu hiểu tận tâm can cái nghèo, cái khổ. Biết rằng kinh tế gia đình còn rất khó khăn, chủ yếu dựa vào chăn nuôi ếch và trồng mít, thế nhưng chúng tôi tin rằng, với ý chí, nghị lực và lòng tin của ông Cam, bà Ngọc, kinh tế gia đình không chỉ ổn định mà còn vươn lên trở thành hộ khá, giàu ở địa phương.
Không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ
Vợ chồng chị Đặng Thị Ngọc Dung, ngụ xã Long Trạch, huyện Cần Đước, sinh được 3 người con, trong đó có 1 người bị bệnh thiểu năng, mọi sinh hoạt cá nhân đều cần người khác giúp đỡ. 5 thành viên trong gia đình sống trong căn nhà xập xệ, kinh tế chủ yếu dựa vào tiền lương tài xế ít ỏi của chồng chị. Chị Dung cũng thường xuyên đau ốm. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Dung, xã đưa gia đình chị vào danh sách hộ cận nghèo. Nhờ đó, gia đình chị được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước như hỗ trợ tiền điện, miễn giảm học phí, cấp bảo hiểm y tế miễn phí, trợ cấp tết,...
Dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chị Đặng Thị Ngọc Dung vẫn tự nguyện viết đơn ra khỏi hộ cận nghèo để nhường sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cho những người khó khăn hơn
Được sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, chị Dung cảm thấy rất mang ơn, lấy đó làm động lực để chăm chỉ làm ăn, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ. Nhờ có bảo hiểm y tế, chị được khám sức khỏe thường xuyên nên bệnh tình ngày một thuyên giảm. Hơn hết, sau khi bớt bệnh, chị Dung chủ động đi làm việc cho một quán ăn gần nhà để vừa có thêm thu nhập, vừa có thời gian chăm sóc đứa con gái bị bệnh thiểu năng.
Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha của chị Dung cho tiền xây căn nhà mới để che nắng, trú mưa. Ngày có căn nhà mới cũng là ngày chị Dung chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ cận nghèo để nhường sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cho người khó khăn hơn. Chị Dung trải lòng: “Nhà cửa đàng hoàng, không còn chịu cảnh mưa dột, cột xiêu nên tôi viết đơn ra khỏi hộ nghèo. Giờ đây, vợ chồng tôi có việc làm và thu nhập ổn định, đủ khả năng lo cho mấy đứa con”.
Năm 2013, gia đình chị Lê Thị Trang, ngụ xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Bởi, chị bị tai nạn giao thông để lại di chứng rất nặng, cần phải chữa trị rất lâu, từ đó mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình chỉ dựa vào số tiền làm thuê của chồng. Với sự đổi mới trong thực hiện chính sách giảm nghèo chuyển từ "cho không" sang "cho có điều kiện", năm 2014, gia đình chị được hỗ trợ xây nhà tình thương, 1 con bò giống và vốn phát triển sản xuất. Dù bị bệnh, không thể làm việc nặng nhưng chị Trang vẫn siêng năng phụ chồng cắt cỏ cho bò ăn và chăm sóc các con.
Đầu năm 2019, gia đình chị Trang tiếp tục được hỗ trợ thêm 1 con bò giống. Đồng thời, chị được người nhà của một cán bộ UBND xã nhận vào làm việc trong quán ăn vào buổi sáng, còn buổi chiều chị lấy vé số bán kiếm thêm thu nhập. Khi thấy kinh tế gia đình bớt khó khăn, chị chủ động viết đơn ra khỏi hộ cận nghèo. “Nhường sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho người khó khăn hơn mình” - Đây không chỉ là suy nghĩ của riêng gia đình chị Trang mà đã được lan tỏa trong cuộc sống. Điều này được minh chứng khi những năm qua, xã Bình Hiệp nhận được gần 100 lá đơn xin thoát nghèo. Những ý chí, nghị lực đáng khâm phục ấy góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở xã từ hơn 7% (năm 2016) xuống còn 1,5% hiện nay.
Sức khỏe ngày càng tốt, việc làm ổn định, chị Lê Thị Trang tự nguyện viết đơn ra khỏi hộ cận nghèo
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp - Trần Thị Băng Tuyết cho biết: “Xã xác định thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững là chìa khóa nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Theo đó, xã vừa tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ con giống, tạo việc làm, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, ý chí của người nghèo trong hành trình vươn lên thoát nghèo”.
Sau thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, hộ nghèo giảm còn 1,52%, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, người nghèo đã không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, ngược lại còn thay đổi nhận thức. Và những lá đơn xin thoát nghèo đó chính là niềm tin, lời khẳng định thắng lợi trong công cuộc giảm nghèo của tỉnh thời gian qua./.
Kim Ngọc