Tiếng Việt | English

10/12/2019 - 21:35

Cơ hội hòa bình tại Đông Ukraine đang ngày càng rõ ràng hơn

Cho dù vẫn còn có những vấn đề chưa được nhất trí, song điều quan trọng là niềm tin đã được thiết lập, Nga-Ukraine sau một thời gian dài căng thẳng, giờ đây đã có thể đối thoại.

(Từ trái sang): Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ Normandy tại Paris, Pháp, ngày 9/12/2019. (Ảnh: AFP)

(Từ trái sang): Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ Normandy tại Paris, Pháp, ngày 9/12/2019. (Ảnh: AFP)

Hy vọng về một lối thoát cho cuộc xung đột vũ trang vốn cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người trong suốt 5 năm qua ở Đông Ukraine đã xuất hiện sau cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo 4 nước trong nhóm Bộ Tứ Normandy (gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine) tại Paris (Pháp) ngày 9/12.

Những bước đi tiếp theo khá rõ ràng cho vấn đề Đông Ukraine, đặc biệt là cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine, chính là "kết quả rất tích cực" đạt được tại hội nghị do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì lần này.

Những nội dung đáng chú ý được 4 nhà lãnh đạo gồm Tổng thống Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Angela Merkel đạt được là cam kết thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn cho tới cuối năm nay; nhất trí tiến hành trao đổi tù binh theo hình thức "tất cả đổi lấy tất cả."

Trong đó, chính quyền Kiev sẽ trao trả 250 tù binh để đổi lấy 100 tù binh từ Cộng hòa tự xưng Donetsk cũng như Luhansk ở Donbass trước cuối năm; Tiếp tục rút lực lượng vũ trang tại các điểm xung đột cho tới cuối tháng 3/2020, tiến hành phi quân sự hóa thêm 3 điểm nữa, thực thi các bước nhằm thu dọn bom mìn và trong vòng 30 ngày sẽ thiết lập các điểm chuyển tiếp (cửa khẩu) mới cho nhân dân qua lại ở khu vực biên giới phục vụ mục đích nhân đạo; nhất trí tiếp tục gặp thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ chậm nhất vào 4 tháng nữa.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh việc thực thi "Công thức Steinmeier" cho Donbass liên quan vấn đề về quy chế đặc biệt cho hai vùng Luhansk và Donetsk, thảo luận về việc tiến hành các cuộc bầu cử địa phương trong khu vực.

Những chuyển động trên thực sự là thay đổi lớn trong mối quan hệ vốn rất căng thẳng giữa Nga-Ukraine kể từ năm 2014, thời điểm Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea.

Thậm chí, mới chỉ một năm trước, cựu Tổng thống Ukraine lúc đó là Petro Poroshenko còn tuyên bố Kiev "đang bên bờ một cuộc chiến tranh tổng lực" với Nga sau vụ đụng độ trên Eo biển Kerch.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2019, những nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nước đã được thúc đẩy khi Tổng thống Zelensky lên nắm quyền.

Hưởng ứng những tín hiệu tích cực từ ông Zelensky, Tổng thống Putin đã tuyên bố Moskva sẵn sàng hợp tác và khôi phục quan hệ toàn diện với Kiev, đồng thời Nga luôn sẵn sàng tiến hành "bất cứ dạng đối thoại nào về vấn đề Ukraine."

Chính Tổng thống Pháp Macron thời điểm đó cũng nhận định đã xuất hiện những "yếu tố tích cực mới" sau khi Tổng thống Zelensky lên nắm quyền từ cuối tháng 5/2019.

Những cuộc điện đàm hoặc gặp trực tiếp của ông Zelensky với 3 nhà lãnh đạo Nga, Pháp và Đức kể từ mùa Hè vừa qua đã tạo ra những bước tiến quan trọng góp phần dẫn tới hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ Normandy lần này. Một trong những bước tiến đó là việc cả quân đội Chính phủ Ukraine cũng như lực lượng đòi độc lập rút quân và khí tài theo thỏa thuận khỏi 3 khu vực giới tuyến ở Đông Ukraine.

Bên cạnh đó, Nga và Ukraine cũng đã tiến hành trao đổi tổng cộng 70 tù nhân - động thái được Tổng thống Nga Putin đánh giá là "một bước đi lớn hướng tới bình thường hóa quan hệ" giữa Moskva và Kiev. Mới đây nhất, ngày 17/11, Nga thông báo trao trả 3 tàu của Hải quân Ukraine bị Moskva bắt giữ tại Biển Đen tháng 11/2018.

Sự cải thiện quan hệ giữa Moskva và Kiev đã xây dựng bầu không khí tích cực cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ Tứ Normandy lần này và cuộc gặp Putin-Zelensky.

Thủ tướng Đức Merkel đã bày tỏ sự hài lòng về kết quả hội nghị, cho rằng Hội nghị Bộ tứ đã vượt qua được khoảng lặng trong việc giải quyết vấn đề Donbass.

Tổng thống Putin đánh giá công việc của các nhà lãnh đạo Bộ tứ Normandy rất hữu ích và tuyên bố chung được thông qua đã khẳng định vai trò không thể thay thế của Thỏa thuận Minsk về vấn đề Donbass.

Tổng thống Ukraine Zelensky nhận định nhiều vấn đề đã được giải quyết. Sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Paris, ông Macron một lần nữa lên tiếng ca ngợi ý chí chính trị và sự quyết tâm của Tổng thống Ukraine nhằm mang lại hòa bình cho vùng xung đột Donbass.

Kết quả tích cực của Hội nghị Nhóm Bộ Tứ Normandy cũng khẳng định vai trò quan trọng của châu Âu, với hai đại diện là Pháp và Đức, trong việc giải quyết vấn đề Ukraine.

Tất nhiên không phải tất cả những gì liên quan Đông Ukraine đều đã được giải quyết trong vài giờ đàm phán.

Cho dù vẫn còn có những vấn đề chưa được nhất trí, song điều quan trọng là niềm tin đã được thiết lập. Nga-Ukraine sau một thời gian dài căng thẳng, giờ đây đã có thể đối thoại.

So với cuộc gặp nhóm Normandy lần gần đây nhất 3 năm trước ở Berlin, những người tham gia cuộc gặp lần này thể hiện sự lạc quan hơn khi kết thúc hội nghị.

Có thể nói, nhân tố mới Zelensky, sự hưởng ứng tích cực của Nga, những nỗ lực của Đức và Pháp là những yếu tố quyết định giúp hồi sinh tiến trình hòa bình ở Đông Ukraine. Với người dân vùng Donbass, cơ hội hòa bình đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết