"Hàng đổi hàng" kiểu mới
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu không chỉ tập trung vào đàm phán hiệp định thương mại tự do, thương mại hàng hóa dịch vụ hay đầu tư mà còn tổ chức một số nội dung khác như sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, mua sắm của chính phủ. Đặc biệt, hiệp định tập trung vào việc mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ đầu tư. Qua tính toán, đàm phán hai bên đã hiểu rõ những mong muốn và sự quan tâm của đối tác trong từng lĩnh vực, hiểu được những yêu cầu được các bên đặt ra.
Hiện tại, Việt Nam có thế mạnh về mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may về giày dép và một số mặt hàng về thực phẩm chế biến. Trong khi đó, Liên minh kinh tế Á - Âu, trong đó có Nga và Belaruts có thế mạnh về sản phẩm cơ khí chế tạo, tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản mà Việt Nam đang rất cần. Điều này giúp cho hai bên tạo được dòng chảy thương mại “hàng đổi hàng” kiểu mới, dựa trên nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất, cung ứng của mỗi bên.
Bên cạnh thương mại, hiệp định cũng mở ra khả năng hợp tác trong lĩnh vực đầu tư cho các bên tham gia. Theo đó, Việt Nam có thể tiếp nhận các dự án đầu tư trong các lĩnh vực như ô tô, máy móc xây dựng, sản phẩm cơ khí chế tạo… đồng thời có thể trở thành nhà đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, sản xuất hàng dệt may, giày dép và chế biến thủy sản.. tại các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu.
Trao đổi nhanh với báo giới sau khi hiệp định được ký, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, 90% số dòng thuế và 90% kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên tính mốc từ năm 2014 sẽ được mở cửa và tự do hóa. “Đây là tỷ lệ tương quan đối với một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác khác. Nếu Việt Nam khai thác và tận dụng được cơ hội này thì hợp tác thương mại đầu tư của Việt Nam với các nước khác của Liên minh kinh tế Á - Âu có quy mô lớn hơn và chất lượng cao hơn trong thời gian tới. Điển hình, hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga chỉ đạt 4 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo hiệp định thì đến năm 2020, kim ngạch dự kiến đạt khoảng 10 tỷ USD”, Bộ trưởng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một số nước đầu tiên của SNG. Đối với Liên minh kinh tế Á - Âu, Việt Nam cũng là nước đầu tiên ngoài khối được đàm phán, ký kết thương mại tự do.
Quảng bá và mở rộng thị trường thương hiệu Việt Nam
Trước cơ hội lớn này, Bộ Công thương đã và đang cùng với các cơ quan chức năng, hiệp hội doanh nghiệp tích cực chuẩn bị cho công việc thúc đẩy việc đưa hàng Việt Nam sang Nga nói riêng và khối Liên minh kinh tế Á Âu nói chung.
Mới đây, theo chỉ đạo của UBND TP.Hồ Chí Minh về kế hoạch tổ chức Đoàn doanh nghiệp thành phố tham dự “Hội chợ hàng Việt Nam tại Mátxcơva năm 2015”, Sở Công Thương đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Trung tâm Thương mại Hà Nội – Mátxcơva (Incentra), Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức hội nghị phổ biến và triển khai kế hoạch tham gia hội chợ hàng Việt Nam tại Mátxcơva năm 2015.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam quảng bá sản phẩm thương hiệu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, tiếp cận trực tiếp và tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Từng bước, Việt Nam có thể xây dựng mạng lưới đại lý, phân phối tại chỗ, làm quen thị trường, tìm hiểu thị hiếu, thói quen tiêu dùng và sức mua của khách hàng. Qua đó, Việt Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp phân phối hàng hóa tại Nga, giới thiệu và quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng LB Nga.
Tại Hà Nội, đầu tháng 7, Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu – Nội dung cam kết và tác động tới doanh nghiệp Việt Nam”. Tại Hội thảo, đại diện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã trình bày, giải thích cho các doanh nghiệp hiểu rõ về các cam kết của Việt Nam cũng như những lợi ích mà doanh nghiệp có thể được hưởng từ hiệp định quan trọng này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc VCCI, hiệp định này đã mở ra nhiều cơ hội, kỳ vọng cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường rộng lớn này, đặc biệt, trong liên minh 5 nước có thị trường lớn như Nga. Mặc dù Nga chỉ mới tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2012, thuế đánh vào hàng hóa các nước vào thị trường này đang giảm hoặc loại bỏ theo lộ trình gia nhập WTO.
“Việt Nam là đối tác ký FTA đầu tiên của EAEU và khu vực này hiện vẫn duy trì hàng rào thương mại cao với tất cả các nước còn lại trên thế giới. Do đó, một khi có hiệu lực, FTA này sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA khi xuất khẩu vào khu vực thị trường này”, bà Trang phân tích.
Trong khi đó, công việc chuẩn bị cho Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao Matxcova hiện đang được tích cực triển khai. Theo kế hoạch, Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 12.11 đến 12.12 tại Trung tâm thương mại đa chức năng Hà Nội – Matxcova. Trao đổi trước thềm sự kiện này, bà Hà Phương, Trưởng phòng Marketing, Công ty Incentra tại Việt Nam cho biết, hiện đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia hội chợ điển hình như Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam đã cử 9 công ty thành viên kinh doanh trong nhiều lĩnh vực tham gia hội chợ, Tổng Công ty may Nhà Bè, Công ty Cá sấu Việt Phong, Công ty giày Tuấn Việt, DN Minh Trang… Bên cạnh đó, các tỉnh, thành khác cũng đang tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia và đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để tham gia sự kiện quan trọng này./.
HOÀNG ANH MINH/Theo laodong.com.vn