Công đoàn (CĐ) có vai trò quan trọng trong doanh nghiệp (DN) và với người lao động (NLĐ). Việc chăm lo bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NLĐ, hạn chế tình trạng đình công là một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra đối với tổ chức CĐ trong DN.
Thời gian gần đây, tình trạng đình công của NLĐ diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp. Nguyên nhân đình công rất đơn giản: Đòi đáp ứng mức lương phù hợp, thưởng, đòi lại quyền lợi đáng có của NLĐ. Tuy nhiên, đình công có xu hướng phức tạp và bạo lực, thậm chí có nơi mức độ gần như bạo động. Chính những điều này dẫn đến việc các kiến nghị từ phía NLĐ không được quan tâm, giải quyết kịp thời, dễ xảy ra tranh chấp.
Lúc này đây, mỗi DN ngoài việc đáp ứng quyền lợi đáng có cho NLĐ, cần củng cố lại tổ chức CĐ, phát huy tối đa vai trò vốn có của CĐ. Khi CĐ được tổ chức tốt thì dĩ nhiên, DN và NLĐ sẽ có tiếng nói chung, mọi bức xúc đều được hai bên ngồi lại cùng tìm ra hướng giải quyết .
Việc không thể kiểm soát được những vụ đình công cho thấy, các tổ chức CĐ cơ sở còn yếu, không thực sự đóng vai trò là chỗ dựa, người đại diện và thủ lĩnh của công nhân. Hơn ai hết, CĐ là tổ chức gần gũi và thấu hiểu NLĐ nhất.
CĐ các cấp cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để đề xuất giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Đồng thời, duy trì và tổ chức thường xuyên các hoạt động chăm sóc gia đình người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đột xuất các đoàn viên không may mắc bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ xây nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở;...
Nhằm đổi mới và nâng cao hơn nữa năng lực tổ chức CĐ, mỗi DN cần xem xét hiện trạng, điều kiện cụ thể, tìm ra giải pháp khắc phục hạn chế và phát huy hiệu quả năng lực CĐ; chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ CĐ. Khi tổ chức CĐ thực sự là người đại diện của NLĐ trong DN thì quan hệ lao động mới thực sự ổn định, hài hòa cho quyền lợi cả đôi bên, hạn chế tranh chấp lao động./.
Lệ Nguyên