Mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân
Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) không ngừng phát triển. Đến nay, HTX có 57 thành viên sản xuất 15ha, là một trong những HTX được đánh giá hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Cần Đước.
Mô hình trồng rau thủy canh của Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước)
Thế mạnh của HTX là sản xuất rau ăn lá, rau mùi, rau thủy canh,... đạt tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn. Với mục tiêu sản xuất nông sản sạch, an toàn, vì sức khỏe người tiêu dùng, HTX chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các thành viên ƯDCNC vào sản xuất, tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các loại phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ, ghi chép sổ nhật ký đầy đủ.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng cho biết: “Những năm qua, HTX nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành như xây dựng vườn ươm cây giống, mô hình sản xuất rau thủy canh, nhà lưới, mô hình tưới tự động,... Ngoài ra, HTX còn tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, ký kết cung - cầu sản phẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và ký kết tiêu thụ rau an toàn với nhiều đơn vị”.
Hiện mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường (siêu thị, chợ Bình Điền, trường học,...) khoảng 2 tấn rau, củ, quả các loại. Không chỉ chú trọng lợi ích kinh tế cho thành viên, HTX còn quan tâm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 25-30 lao động tại địa phương. Thu nhập trung bình mỗi lao động từ 4,5-5 triệu đồng/tháng. Qua đó, tạo niềm tin cho các thành viên khi tham gia vào HTX, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Ông Kiều Anh Dũng cho biết thêm: “Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế hộ nhỏ, lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa không theo tiêu chuẩn sẽ khó có chỗ đứng, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới, HTX tiếp tục tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm,... Qua đó, giúp các thành viên yên tâm và mạnh dạn đầu tư sản xuất, cung cấp rau, củ cho HTX”.
Vụ Đông Xuân 2024-2025 này là năm thứ 5 HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Hưng Thành (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh chọn làm điểm thực hiện mô hình Xây dựng vùng lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu với diện tích 150ha.
Tham gia mô hình Xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu mang lại lợi ích về nhiều mặt
Khi tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 70% giống lúa xác nhận; 50% chi phí thuê dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái với kinh phí hỗ trợ 510.000 đồng/ha, tổng kinh phí hỗ trợ mô hình hơn 237 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Đời là một trong những thành viên nòng cốt của HTX mạnh dạn tham gia mô hình. Ông Đời chia sẻ: “Qua thời gian tham gia mô hình, mặc dù năng suất lúa không cao hơn nhiều so với ngoài mô hình nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện, bởi mô hình này không chỉ mang giá trị về kinh tế (cao hơn ngoài mô hình gần 5 triệu đồng/ha) mà còn mang giá trị nhân văn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.
Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Hưng Thành - Phạm Tấn Hào cho biết: “Mô hình Xây dựng vùng lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như sử dụng giống xác nhận, giảm được lượng giống gieo sạ; bón phân cân đối, hợp lý; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm thời gian cách ly theo tiêu chuẩn châu Âu; ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả cho thấy, mô hình đã mang lại lợi ích về nhiều mặt, ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình còn có tác động lớn về mặt môi trường, xã hội và nâng cao nhận thức của cộng đồng, làm ra là nông sản sạch”.
Nhiều kết quả khả quan
Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch và cụ thể hóa chương trình theo hướng phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Sau thời gian thực hiện, chương trình đạt nhiều kết quả khả quan. Đối với cây lúa, đến nay, diện tích ƯDCNC có 59.672/60.000ha, đạt 99,5% kế hoạch đến năm 2025. Hiệu quả kinh tế đạt được cho thấy cải thiện rõ rệt lợi nhuận cho nông dân khi tham gia mô hình, chi phí sản xuất bình quân trong mô hình giảm so với ngoài mô hình từ 0,5-4,3 triệu đồng/ha. Năng suất bình quân trong mô hình từ bằng đến cao hơn ngoài mô hình 500kg/ha, lợi nhuận bình quân trong các mô hình tăng từ 1-4,8 triệu đồng/ha.
Trên cây rau, diện tích ƯDCNC có 2.072/2.000ha, đạt 103,6% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; chủ yếu tập trung ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như ứng dụng phân hữu cơ, hệ thống tưới, nhà lưới, nhà màng. Qua triển khai chính sách hỗ trợ, nông dân có sự chuyển biến rất rõ nét tại vùng sản xuất rau của tỉnh, hiệu quả sản xuất tăng rõ rệt từ 500.000 đồng - 2 triệu đồng/1.000m2.
Cây thanh long có 5.700/6.000ha ƯDCNC, đạt 95,01% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Nông dân có bước chuyển biến tốt trong sản xuất, việc sử dụng phân hữu cơ được tăng cường, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý nên giúp giảm chi phí đầu tư từ 10-20% so với ngoài mô hình, từ đó tăng hiệu quả kinh tế từ 15-25% so với ngoài mô hình.
Một số cây, con khác, diện tích chanh ƯDCNC có 3.738/3.000ha, đạt 125% kế hoạch; diện tích tôm ƯDCNC là 69,35/100ha, đạt 69,35% kế hoạch; trên bò thịt, triển khai xây dựng 5 mô hình điểm chăn muôi, hỗ trợ nông dân chuyển đổi bò giống đạt 95% kế hoạch, hỗ trợ gieo tinh nhân tạo các giống chất lượng cao cho hơn 18.000 bò cái sinh sản.
Tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, ƯDCNC vào sản xuất là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Trong thời gian thực hiện chương trình, nhận thức của nông dân về sự cần thiết ứng dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất ngày càng rõ nét hơn. Qua đó, khẳng định tính đúng đắn của chương trình trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường.
“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giúp nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác liên kết tiêu thụ nông sản; tập trung chuyển đổi số và đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ vùng sản xuất ƯDCNC” - bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm./.
|
Trang bị kiến thức cho nông dân để thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất là mục tiêu lớn của ngành Nông nghiệp đang hướng đến.
|
Văn Đát