Tiếng Việt | English

25/10/2021 - 21:50

Cộng tác viên dân số tâm huyết ở vùng biên

Bằng những nỗ lực, tâm huyết với công việc, hơn 15 năm qua, bà Nguyễn Thị Thường - cộng tác viên (CTV) Dân số (DS), Gia đình và Trẻ em xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác DS của xã vùng biên.

Bà Nguyễn Thị Thường (bên phải) tuyên truyền người dân về lợi ích khi thực hiện kế hoạch hóa gia đình

Bà Nguyễn Thị Thường (bên phải) tuyên truyền người dân về lợi ích khi thực hiện kế hoạch hóa gia đình

Làm việc chủ yếu bằng lòng nhiệt tình, chế độ phụ cấp không nhiều, song bà Thường vẫn bám địa bàn. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 2, bà có nhiều thuận lợi khi thường xuyên gặp gỡ các chị em, lồng ghép tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chính sách DS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

Tân Hiệp là xã vùng biên, trước đây điều kiện đi lại khó khăn, người dân còn nặng tư tưởng sinh đông con cho “vui cửa, vui nhà” và coi trọng việc phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”. Do đó, bà Thường tích cực tuyên truyền, vận động từ những cặp vợ chồng trẻ đến các ông bà, cha mẹ về lợi ích của việc sinh ít con. 

Bà Thường kể: “Tôi còn nhớ như in những ngày đầu làm công tác DS. Thời điểm đó, chưa có đường sá, chủ yếu là kênh, rạch, nhà cửa thưa thớt nên phải đi bằng xuồng. Có nhiều bữa gặp nước ròng, tôi bị kẹt lại cả ngày mới về được. Phải yêu nghề và tâm huyết với nghề mới có thể gắn bó lâu dài”.

Giờ đây, diện mạo của xã có nhiều thay đổi, đường sá thuận lợi hơn trước. Trên chiếc xe đạp thân thuộc của mình, mỗi ngày, bà Thường miệt mài “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Bà Thường chia sẻ: “Việc tuyên truyền về công tác DS phải thật khéo léo, tế nhị để chị em phụ nữ hiểu và người chồng cũng hiểu, cùng có trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp KHHGĐ.

Không chỉ tuyên truyền, vận động trên hội trường, hội nghị, trong các cuộc họp mà có lúc “gặp đâu tuyên truyền đó” như trên đường đi chợ, đi làm ruộng,... Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi cũng lồng ghép tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch đến từng người dân”.

Những đóng góp thầm lặng của bà Thường hơn 15 năm qua thể hiện rất rõ: Các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ mà xã giao, ấp đều đạt và vượt; nhiều năm liền ấp 2 không có người sinh con thứ 3 trở lên,... Đặc biệt, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” từng bước được đẩy lùi. Với những đóng góp tích cực, bà Thường được nhận nhiều giấy khen của huyện, xã vì có nhiều thành tích trong công tác DS. Đây là động lực giúp bà tiếp tục nỗ lực, hoàn thành tốt công việc được giao./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết