Tiếng Việt | English

27/07/2020 - 21:05

Covid-19 tái định hình an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thế nào?

Đại dịch Covid-19 có khả năng tạo ra một loạt tác động lớn lên an ninh và địa chính trị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cả về ngắn hạn và dài hạn.

Chỉ trong vài tháng, Covid-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra) đã lan ra khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, lây nhiễm cho hàng trăm ngàn người, gây xáo trộn lớn về kinh tế và xã hội. Trong khi một số nước như Việt Nam và Hàn Quốc đã khống chế dịch này rất tốt thì các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và cả Mỹ nữa tiếp tục đối mặt với các đợt bùng phát dịch ở trong nội địa.


Hình ảnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhìn từ vũ trụ. Ảnh: Shutterstock.

Năng lực chiến đấu của quân đội

Trong tương lai gần, Covid-19 sẽ làm giảm mức độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng quân đội ở nhiều nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhiều quân đội trong khu vực này đã phải hủy các cuộc tập trận quy mô lớn vốn giúp họ duy trì mức độ sẵn sàng. Chẳng hạn Mỹ và Hàn Quốc đã hủy các cuộc diễn tập chung định kỳ vào đầu năm 2020. Mỹ và Philippines cũng hủy cuộc tập trận Balikatan thường niên vào tháng 5/2020. Australia mới đây hủy cuộc tập trận đa quốc gia Pitch Black, mà nếu diễn ra sẽ có sự tham gia của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khu vực.

Nói chung mức độ sẵn sàng chiến đấu thấp hơn trong khu vực sẽ làm tăng rủi ro sự cố quốc tế liên quan đến quân đội. Việc hủy quá nhiều cuộc tập trận của liên minh do Mỹ đứng đầu có thể khiến cả các đồng minh và các đối thủ của Mỹ đặt câu hỏi liệu quân đội Mỹ còn có khả năng đáp ứng cam kết an ninh rộng mở của họ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay không.

Nguy cơ bất ổn an ninh

Đại dịch Covid-19 vừa qua cũng có khả năng dẫn tới bất ổn lớn hơn trên bán đảo Triều Tiên. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vốn đã đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt của quốc tế nay lại gặp khó khăn từ việc nước này đóng cửa biên giới với Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên) nhằm ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19.

Trong trường hợp Covid-19 lan sâu vào Triều Tiên thì nước này sẽ gặp khó khăn lớn do cơ sở hạ tầng y tế còn khiêm tốn ở đây. Đã vậy Triều Tiên đã phá hủy văn phòng liên lạc liên hợp với Hàn Quốc gần Kaesong nên sắp tới có thể Triều Tiên sẽ có những động thái khó lường với cả Mỹ và Hàn Quốc.

Covid-19 cũng có thể tạm thời cản trở vai trò ngày càng gia tăng của Ấn Độ trong bảo đảm an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong một thập kỷ qua, Ấn Độ đã dần trở thành một bên bảo đảm an ninh trong vùng thông qua việc tăng cường năng lực hải quân, ủng hộ các nỗ lực xây dựng năng lực hàng hải ở Đông Nam Á và đẩy mạnh việc tham gia các đối thoại an ninh đa phương như là “Quad”. Nhưng hiện nay số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh chóng ở Ấn Độ, khiến chính quyền của Thủ tướng Modi có thể phải dồn sự chú ý và nguồn lực vào giải quyết các vấn đề y tế và hậu quả của chúng ở trong nước.

Về mặt dài hạn, đại dịch này có thể tạo ra một số tác động chiến lược lên an ninh khu vực. Đáng chú ý nhất, Covid-19 làm tăng thêm thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở trong vùng. Đối với nhiều người ở Mỹ, đại dịch cho thấy mức độ thiếu tin cậy của chính phủ Trung Quốc và cái giá của việc phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Nhiều người Trung Quốc thì lại xem việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc là nhằm đánh lạc dư luận trong nước về cách phản ứng của Mỹ trước đại dịch này. Thế đối kháng nhau do dịch Covid-19 có thể sẽ kéo dài lâu hơn cả bản thân dịch bệnh này, góp phần vào cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa 2 cường quốc mạnh nhất khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tác động lên nước lớn và trật tự quốc tế

Virus SARS-CoV-2 có khả năng tác động dài hạn lên cả ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực. Mỹ phải chật vật chống Covid-19 ở trong nước nên hình ảnh của nước này ở bên ngoài cũng bị sứt mẻ ít nhiều. Trong khi đó Trung Quốc đã tận dụng đại dịch để quảng bá hình ảnh bản thân, thậm chí còn lợi dụng lúc các nước khác bận đương đầu với dịch bệnh để gia tăng các hoạt động của họ ở Biển Đông và dọc theo biên giới Ấn Độ-Trung Quốc.

Covid-19 cũng có khả năng gây tổn hại cho tính chính danh của trật tự quốc tế tự do ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các thể chế quốc tế hàng đầu đã phải chật vật ứng phó với sự bùng phát của đại dịch này. Chẳng hạn nhóm G-7 đã không thể ra được một tuyên bố chung về Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì bị nghi ngờ chịu sự chi phối của Trung Quốc, do vậy Mỹ đã quyết định cắt đứt quan hệ với tổ chức này.

Đồng thời Covid-19 có thể góp phần hình thành các thể chế khu vực mới được tạo ra nhằm xử lý các thách thức chung về an ninh.

Nhóm các nước “Quad” – Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Australia, đã bắt tay với Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand trong đối thoại “Quad Plus” nhằm điều phối các hoạt động của họ ứng phó với đại dịch Covid-19. Điều này có thể dọn đường cho hợp tác đa phương lớn hơn giữa các nước trong khu vực trong tương lai trên phương diện an ninh truyền thống lẫn an ninh xuyên quốc gia.

Cuối cùng, Covid-19 có thể tạo ra tác động dài hạn đối với cách nhìn nhận về các mối đe dọa trong khu vực. Khi đã nếm trải các hậu quả to lớn do Covid-19 gây ra, các quốc gia có thể coi trọng hơn vấn đề an ninh dịch bệnh. Các dữ liệu điều tra xã hội cho thấy, các công dân Mỹ xem sự lan truyền của bệnh như mối đe dọa toàn cầu hàng đầu ở nước họ./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết