Tiếng Việt | English

20/05/2019 - 14:16

Đã có phương án xử lý cặp rắn hổ mây "khủng" ở An Giang

Bộ NN-PTNT thống nhất với UBND tỉnh An Giang là nên đưa cặp rắn hổ mây về lại nơi “chôn nhau cắt rốn” của nó để phục vụ công tác bảo tồn chứ không giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã.

Ngày 20/5, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa có văn bản giao về cho UBND tỉnh này về những vấn đề có liên quan đến việc chọn nơi thả cặp rắn hổ mây do doanh nghiệp đang nuôi giữ tại Khu Du lịch Đồi Tức Dụp.

Cặp rắn hổ mây "khủng" này được ngành chức năng xác định nặng 18 kg/con

Theo đó, Bộ NN-PTNT thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh An Giang là chọn nơi cặp rắn hổ mây này từng sinh sống để thả về đó nhưng phải đảm bảo không gây nguy hiểm cho con người. Do đó, hiện UBND tỉnh An Giang đã liên hệ với các chuyên gia thuộc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã đến khảo sát xem khu vực nào thích hợp nhất trên đỉnh núi Cấm để tiến hành thả cặp rắn hổ mây. Trước tiên, các chuyên gia sẽ "khám sức khỏe" cho cặp rắn này, nếu đảm bảo sẽ tiến hành thả về môi trường tự nhiên. Các chuyên gia cũng sẽ tư vấn cho An Giang về địa điểm tạm lưu giữ cặp rắn hổ mây một cách an toàn nhất cho đến ngày được thả thay gì để doanh nghiệp tiếp tục nuôi nhốt tại khu du lịch như hiện nay.

"Quan điểm của Bộ NN-PTNT cũng như UBND tỉnh là ưu tiên thả lại rừng ở núi Cấm nhưng phải thật xa khu dân cư, không có khách du lịch lui tới và còn nhiều hang động hoang sơ thích hợp cho rắn sinh sống. Lúc đầu, tỉnh định giao cặp rắn này cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã nhưng lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng trung tâm này cũng chỉ là đơn vị tư vấn hoặc hỗ trợ về mặt chuyên môn chứ không có trách nhiệm theo pháp luật", ông Thư nói.

Như đã thông tin, vào ngày 14/5, các ngành chức năng ở tỉnh An Giang xác minh những vấn đề có liên quan đến việc một doanh nghiệp đang nuôi nhốt 2 con rắn hổ mây lớn tại Khu Du lịch Đồi Tức Dụp. Bước đầu, doanh nghiệp này cho biết 2 con rắn hổ mây này được nhóm công nhân bắt trong quá trình thi công hệ thống điện mặt trời dưới chân núi Cấm rồi đem về đây nuôi nhốt để phục vụ du lịch. Tại thời điểm kiểm tra, phía doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các bước theo quy định về nuôi nhốt động vật hoang dã mà lại trưng bày để thu hút khách du lịch đến xem. Một lãnh đạo thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang khẳng định đối với loại rắn này thì ngành kiểm lâm cũng không được cấp phép cho cá nhân nào nuôi nhốt. Do đó, nếu doanh nghiệp không tự nguyện giao nộp 2 con rắn thì sẽ đề nghị UBND tỉnh ra quyết định tịch thu để giao cho trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) vì nơi đây mới có đủ điều kiện nuôi nhốt, bảo tồn theo quy định./.

T.Nốt/nld.com.vn

Chia sẻ bài viết