Các bếp ăn nghĩa tình hoạt động hết công suất
Những suất ăn nghĩa tình
Là “bếp trưởng”, đều đặn cứ 2 giờ 30 phút mỗi ngày, cô Liên Tâm, ngụ ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, dậy chuẩn bị khoảng 100-150 phần ăn sáng tặng các bệnh nhân tại Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Châu Thành. Đến khoảng 5 giờ, các thành viên khác trong nhóm sẽ hỗ trợ công đoạn đóng hộp, 6 giờ chuyển đến điểm tặng.
Vừa hoàn thành bữa sáng, cô Tâm và mọi người lại tiếp tục chuẩn bị cơm trưa tặng bệnh nhân đang điều trị tại BV; người dân khu vực bị phong tỏa, cách ly, có hoàn cảnh khó khăn. Nhóm có 5 thành viên phục vụ khoảng 250-300 suất ăn trưa/ngày. Ngoài ra, hàng tuần, bếp còn đăng ký nấu 500 suất hỗ trợ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Cô Tâm cho biết: “Tôi tham gia hoạt động ở bếp ăn đã lâu. Mình không có của nên góp công, toàn bộ nhu yếu phẩm được mạnh thường quân hỗ trợ. Địa điểm nấu cũng là của một mạnh thường quân cho mượn. Mỗi ngày, sau khi tặng những suất ăn trưa, khoảng 13 giờ, nhóm lại bắt đầu gọt củ, rau, quả chuẩn bị cho ngày hôm sau. Đến 16 giờ 30 phút, nhóm kết thúc công việc”.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Bích Tuyền, thời gian qua, rất đông lực lượng phụ nữ tham gia phục vụ tại các bếp ăn từ huyện đến cơ sở. Qua đó, mỗi ngày hỗ trợ những suất ăn cho BV, khu cách ly, cán bộ trực chốt, người dân có hoàn cảnh khó khăn,...
Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện còn thực hiện mô hình Chuyến xe 0 đồng. Đến nay, Hội đã trao 500 phần quà cho đối tượng phụ nữ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn huyện thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trong khu vực phong tỏa, cách ly, nữ ở nhà trọ và tặng 38.000 khẩu trang cho phụ nữ ở các xã, thị trấn.
Mô hình Chuyến xe 0 đồng của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành
Giúp dân đi chợ
Vừa đi chợ và giao xong đơn hàng đầu tiên hỗ trợ người dân trong khu vực phong tỏa, Bí thư Chi đoàn khu phố 1, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa - Lê Công Thoại thực hiện sát khuẩn tay. Anh Thoại cho hay: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên mình phải cẩn thận để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
Sau khi nhận đơn và hoàn thành việc mua hàng, tôi sẽ gọi người dân ra nhận, mọi người đều giữ khoảng cách, thực hiện sát khuẩn. Đến thời điểm hiện tại, khu phố có 1 điểm phong tỏa, cách ly 33 hộ với 114 nhân khẩu. Trừ số lượng người dân đã được chuyển đi điều trị, cách ly theo quy định, chỉ còn lại vài chục người đang thực hiện cách ly y tế tại nhà”.
Bí thư Đoàn thị trấn Thủ Thừa - Nguyễn Ngọc Thạch cho biết: “Từ ngày 17/8/2021, để người dân trên địa bàn yên tâm ở nhà chống dịch; đồng thời, giảm bớt lo lắng về việc mua nhu yếu phẩm, Đoàn Thanh niên thị trấn phối hợp MTTQ thị trấn và các đoàn thể triển khai mô hình Giúp dân đi chợ trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Người dân cần mua thực phẩm sẽ liên hệ với lực lượng hỗ trợ qua số điện thoại đã được thông báo ở từng khu phố. Thông qua mô hình mong mọi người “ai ở đâu ở yên đấy”, cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch Covid-19”.
Bí thư Chi đoàn khu phố 1, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa -Lê Công Thoại (bìa trái) đi chợ giúp người dân trong khu vực phong tỏa
Từ 0 giờ ngày 23/8/2021 đến khi có thông báo mới, huyện Thủ Thừa ngừng phát phiếu mua hàng thiết yếu cho người dân, không để người dân ra đường với lý do mua hàng thiết yếu. Người dân chỉ được ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết như xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm vắc-xin theo yêu cầu của chính quyền địa phương, các trường hợp cấp cứu,... kể cả mua thuốc cũng liên lạc qua điện thoại hoặc ghi phiếu nhu cầu gửi địa phương để được hỗ trợ.
Được biết, không chỉ tại huyện Thủ Thừa mà nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh cũng thành lập các nhóm, đội hỗ trợ người dân đi chợ. Qua đó, góp phần giúp người dân yên tâm ở nhà, thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Nhiều hoạt động thiết thực
Dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng diện tích lúa Hè Thu năm 2021 của nhiều nông dân đang trong giai đoạn thu hoạch. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ - Nguyễn Thanh Hải, hiện số lượng máy gặt đập liên hợp trên địa bàn xã không đáp ứng đủ nhu cầu thu hoạch lúa của nông dân nên địa phương đã liên hệ những điểm cho thuê máy ở nơi khác để hỗ trợ. Ngoài ra, xã cũng tạo điều kiện cho lực lượng bốc vác lúa test nhanh Covid-19 và chuẩn bị các giấy tờ theo quy định để đi lại, làm việc, liên hệ thương lái giúp người dân tiêu thụ lúa.
Bên cạnh việc hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ lúa, cán bộ, hội viên Hội Nông dân xã Bình Hòa Hưng còn tích cực tham gia vào các tổ tình nguyện phòng, chống dịch Covid-19, vận động mạnh thường quân trên 10 tấn chanh hỗ trợ các điểm phong tỏa, cách ly và các địa phương khác trên địa bàn huyện. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Huệ - Nguyễn Thị Nhiều cho biết, thời gian qua, cùng với UBMTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội khác, Hội Nông dân huyện cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm chăm lo đời sống người dân.
Vừa qua, Hội vận động mạnh thường quân 1 tấn rau tặng các khu cách ly, người dân có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn huyện, vận động 10 tấn chanh tặng huyện Đức Hòa, Hội Nông dân tỉnh và huyện Củ Chi, TP.HCM. Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp còn đi chợ giúp dân, tham gia công tác hậu cần phục vụ tại các khu cách ly, khu vực phong tỏa, tham gia các tổ phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương;...
Dịch bệnh ập đến khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Bằng nhiều cách làm hay, hiệu quả, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã góp phần cùng địa phương chăm lo đời sống người dân, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”./.
Nguyễn Dung