Tiếng Việt | English

08/08/2015 - 09:07

Đại gia nước ngoài mạnh tay thâu tóm doanh nghiệp Việt

 

Nhanh nhạy trong việc đón đầu lợi ích từ một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như FTA, TPP, các tỉ phú nước ngoài đang rót vốn khủng cho các thương vụ mua bán - sáp nhập vào các tập đoàn lớn Việt Nam, xây dựng các dự án công nghệ cao, tăng quy mô sản xuất.

Doanh nghiệp FDI tăng vốn đầu tư

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (DN FDI) “nhanh chân” hơn các DN nội địa trong việc chuẩn bị để đón đầu lợi ích từ TPP. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tính từ đầu năm đến ngày 20.7.2015, đã có 6,928 tỉ USD vốn FDI đăng ký mới đổ vào Việt Nam. Chỉ trong tháng 7.2015, đã có trên 3 tỉ USD vốn FDI đăng ký mới đổ vào Việt Nam.

Công ty Bel VN chuyên sản xuất phô mai Con bò cười của Pháp đã rót 17 triệu USD để đầu tư xây dựng nhà máy mới có công suất gấp 9 lần nhà máy cũ mới tại Bình Dương trên diện tích 17.0000m2. Dự kiến nhà máy sẽ vận hành vào giữa năm sau và hoàn thành toàn bộ vào năm 2020. Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã chi hơn 9,25 triệu USD để sở hữu 3% cổ phần tại Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) và đầu tư một số dự án dệt may lớn tại VN. Tập đoàn Dệt may Tân Thế kỷ Viễn Đông (FENC) của Đài Loan (Trung Quốc) cũng quyết định tăng vốn thêm 320 triệu USD để mở rộng công suất tại VN với quy trình khép kín từ sản xuất sợi, dệt vải, nhuộm vải đến gia công quần áo...

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Nhật Bản đang hướng dòng vốn vào thị trường bất động sản sau thông tin Việt Nam cho phép người nước ngoài sở hữu nhà. Đáng chú ý là dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương của Tập đoàn Tokyu Nhật Bản hợp tác với Becamex IDC với vốn đầu tư lên tới 1,2 tỉ USD.

Hàn Quốc hiện nay là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam. Trong thời gian qua hàng loạt tập đoàn Hàn Quốc mở rộng quy mô sản xuất. Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (FTA VIK) được ký kết, kim ngạch thương mại hai chiều dự kiến sẽ đạt 70 tỉ USD vào năm 2020. Tập đoàn Samsung đã đầu tư gần 12 tỉ USD vào Việt Nam và dự kiến con số rót vốn tiếp tục tăng cao. Tập đoàn LG (Hàn Quốc) quyết định tăng vốn đầu tư vào Việt Nam lên 1,5 tỉ USD để xây dựng nhà máy với diện tích 800.000m2, tập trung sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao như tivi, điện thoại di động, máy giặt, điều hòa, máy hút bụi, các thiết bị kỹ thuật số cho ôtô, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Nhà máy sẽ khánh thành vào cuối năm nay.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Vĩnh Trân - Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư JenCapital - cho rằng: “Cung và cầu trên thị trường đã gặp nhau. Các nhà đầu tư nước ngoài đã nghĩ đến lộ trình tìm kiếm lợi nhuận dài hơi hơn chứ không còn đánh nhanh, rút gọn”.

Tỉ phú Thái Lan tham vọng thâu tóm thị trường Việt

Hiện các tỉ phú Thái Lan đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam và liên tục có các kế hoạch thâu tóm mạnh mẽ các tập đoàn lớn của Việt Nam. Đầu năm 2015, dư luận đặc biệt quan tâm tới thông tin tỉ phú Thái Lan mua 49% cổ phần Nguyễn Kim. Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group - đã nhanh tay thâu tóm gần một nửa cổ phần Cty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy lớn hàng đầu Việt Nam với tham vọng mở rộng hệ thống bán lẻ điện máy tại Việt Nam. Trước đó, tỉ phú giàu thứ 2 Thái Lan Charoen có tham vọng mua lại Metro Cash & Carry.

Tập đoàn SCG (Thái Lan) vừa công bố hoàn tất việc mua 80% cổ phần của Cty CP bao bì Tín Thành (Batico) của Việt Nam. Cty đang tích cực mở rộng sản xuất ngành bao bì và củng cố thêm vị trí hàng đầu trong việc cung cấp bao bì tại thị trường Đông Nam Á. Giá trị thương vụ cũng như thông tin về sản xuất của Batico không được tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Thái Lan này công bố.

Thương vụ thâu tóm Batico là một trong nhiều thương vụ M&A mà Tập đoàn SCG đã tiến hành ở Việt Nam trong những năm qua. SCG cũng không phải là cái tên mới đối với nhà đầu tư trong nước, bởi trước đó, cuối năm 2012, tập đoàn này từng “gây bão” với thương vụ nổi tiếng mua 85% cổ phần Cty CP Prime Group với giá khoảng 240 triệu USD (gần 5.000 tỉ đồng), đưa SCG trở thành đơn vị sản xuất gạch men lớn nhất thế giới. Kế đến là việc Cty con của tập đoàn này là The Nawaplastic Industries (SCG nắm giữ 91%) gây “sóng gió” trên TTCK khi liên tục mua gom lượng lớn cổ phiếu của 2 doanh nghiệp nhựa hàng đầu Việt Nam là Cty CP nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HOSE: NTP) và Cty CP Nhựa Bình Minh./.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết