Tiếng Việt | English

08/07/2020 - 15:57

Dân bức xúc vì cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở tái chế nhựa thuộc địa phận ấp 3, xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An xảy ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Các cơ sở tái chế nhựa trên địa bàn xã đã tồn tại qua nhiều năm. Công tác xử lý môi trường chưa được bảo đảm, các cơ sở chưa đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường,...
Các cơ sở tái chế nhựa trên địa bàn xã đã tồn tại qua nhiều năm. Công tác xử lý môi trường chưa được bảo đảm, các cơ sở chưa đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường,...

Thường xuyên phải hít khói bụi độc hại 

Thời gian gần đây, hàng chục hộ dân ở ấp 3, xã Long Cang phản ánh việc Công ty (Cty) TNHH MTV Lâm Phong cho 4 cơ sở: Phúc Nguyên, Song Hùng, Thành Phát và chi nhánh Cty TNHH MTV Trọng Khang thuê nhà xưởng để tái chế rác thải nhựa trên địa bàn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.

Ông Lê Công Hùng - người dân gần khu vực cơ sở sản xuất, bức xúc: “Hiện nay, các cơ sở sản xuất thuê nhà xưởng  của Cty TNHH MTV Lâm Phong thải keo nhựa tái chế, khí thải và khói bụi trực tiếp ra bên ngoài khu dân cư. Khí thải chưa được xử lý, khói bụi mịt mù tràn vào nhà chúng tôi, khiến người thân trong gia đình không thở nổi vì mùi hăng gây sặc và khó chịu khi hít phải”.

Nhà cách cơ sở sản xuất chưa đầy 100m, bà Phạm Thị Thu (63 tuổi) cho biết: “Các cơ sở sản xuất nhựa tái chế này đã hoạt động từ năm 2016 đến nay. Chúng tôi không biết tại sao các cơ sở sản xuất nhựa độc hại này lại tồn tại trong khu dân cư? Mỗi lần hoạt động cả ngày lẫn đêm khói tỏa khắp nơi. Vào ban đêm, tầm 20-21 giờ trở về khuya là thời gian lò đốt nhựa hoạt động hết công suất. Người dân nơi đây đóng kín cửa mà mùi hôi từ rác thải nhựa ngột ngạt xộc thẳng vào nhà. Người lớn tuổi thì bị đau đầu, khó thở. Trẻ nhỏ thì bị viêm xoang, ho suốt”.

Người dân địa phương đã nhiều lần làm đơn gửi chính quyền các cấp, thậm chí vì không chịu nổi mùi khói, bụi độc, người dân kéo đến các cơ sở sản xuất (còn chi nhánh Cty TNHH MTV Trọng Khang hoạt động) để phản ánh và yêu cầu ngưng hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường. Địa phương cũng đến kiểm tra, các cơ sở này có lúc tạm dừng nhưng chỉ được một thời gian lại hoạt động trở lại.

Buộc dừng hoạt động nhằm đảm bảo môi trường

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Long Cang - Hồ Thị Thu Vân cho biết, đầu tháng 3/2019, UBND xã đã nhận được đơn phản ánh của người dân về việc chi nhánh Cty TNHH MTV Trọng Khang gây ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra, phản ánh của người dân là đúng. Vì vậy, UBND xã đã tiến hành kiểm tra, làm việc với chủ cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang hoạt động, có khói và mùi bốc ra môi trường xung quanh. UBND xã đã lập biên bản, yêu cầu cơ sở tạm ngưng hoạt động; đồng thời, báo cáo vụ việc lên UBND huyện. Tuy nhiên, được một thời gian, người dân tiếp tục phản ánh các cơ sở này vẫn hoạt động.

Cũng theo bà Vân, thời gian qua, xã, huyện nhiều lần tổ chức kiểm tra nhưng vẫn còn 1 cơ sở hoạt động là chi nhánh Cty TNHH MTV Trọng Khang. Vì vậy, người dân tiếp tục phản ánh. Cái khó hiện nay là chính quyền cấp xã không có chuyên môn để thẩm định mức độ ô nhiễm môi trường của cơ sở này. Xã đang rất cần cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, có thể xác định được mức độ ô nhiễm môi trường, hỗ trợ xã giải quyết dứt điểm vụ việc.

Vừa qua, UBND huyện đã tổ chức đoàn kiểm tra, lập biên bản. Theo biên bản làm việc giữa UBND huyện và Cty TNHH MTV Lâm Phong, tại thời điểm ngày 05-5-2020, Quản lý Cty - Trương Được Kim cho biết, có 11 đơn vị thuê nhà xưởng hoạt động kinh doanh, trong đó có 4 cơ sở sản xuất nhựa tái chế. Tuy nhiên, hiện nay, chi nhánh Cty TNHH MTV Trọng Khang vẫn còn hoạt động sản xuất nhựa tái chế bất chấp việc phản ánh của người dân. 

Được biết, ngày 22/6 vừa qua, UBND huyện đã ra quyết định về việc thu hồi giấy xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của 4 cơ sở sản xuất nhựa tái chế. Các cơ sở đã vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng, nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra do 1 trong 4 cơ sở còn lại không nghiêm túc chấp hành việc ngưng hoạt động sản xuất. Vì vậy, các ngành chức năng cần sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm, buộc cơ sở còn sản xuất ngưng hoạt động nhằm bảo vệ sức khỏe cho hàng trăm người dân đang sống tại khu dân cư.

Hoạt động tái chế nhựa tại các cơ sở của Công ty TNHH MTV Lâm Phong đã tồn tại trong nhiều năm. Tuy nhiên, công tác xử lý môi trường không được công ty bảo đảm, các cơ sở chưa đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, xả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết