Tiếng Việt | English

26/06/2020 - 08:28

Đằng sau sự hồi sinh kỳ diệu của phi công người Anh mắc Covid-19

Đằng sau sự hồi sinh kỳ diệu của phi công người Anh mắc Covid-19 là rất nhiều nhân viên y tế đã thầm lặng chiến đấu giành sự sống.

Ngoài những bác sĩ trải qua những tình huống cam go thì những điều dưỡng tại 2 bệnh viện trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân 91 cũng đã trải qua những thời khắc đáng nhớ.

Đến nay, khi nam phi công hồi phục, sắp được xuất viện, câu chuyện hy sinh đầy cảm động của họ mới được chia sẻ. Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tiếp nhận và điều trị cho hơn 10 ca bệnh mắc Covid-19. Thế nhưng, với chị Phạm Thị Tuyến, điều dưỡng trưởng của khoa thì bệnh nhân 91 thật sự rất đặc biệt. Không chỉ do đây là ca bệnh nặng nhất Việt Nam, điều trị dài hơi nhất, mà ngay từ khi mới vào ông đã tỏ ra khó chịu, không tin tưởng trình độ điều trị của các y bác sĩ tại đây.
Thời điểm nhập viện, nam phi công người Anh tỏ ra khó chịu, không ăn uống, thậm chí nhân viên y tế đặt món ăn theo yêu cầu ở bên ngoài về thì ông vẫn không vui, không chịu hợp tác với đội ngũ y bác sĩ: "Phải giải thích rất là nhiều, để bệnh nhân đồng ý làm những xét nghiệm. Nói chung là chiều bệnh nhân rất nhiều, ngay cả bệnh nhân nằm phòng áp lực âm có máy lạnh cũng còn kêu nóng, bạn điều dưỡng nam phải làm quạt giấy thì bệnh nhân rất thích. Sau đó dần dần bệnh nhân cũng hợp tác thế nhưng tình hình sức khỏe bắt đầu trở nặng".


Vượt qua mọi rào cản và trở ngại, các điều dưỡng đã giúp bệnh phi công người Anh hồi phục từng ngày và có kết quả kỳ diệu như hôm nay.

Đến khi trở nặng, bệnh nhân 91 hoàn toàn nằm một chỗ, ăn qua đường tĩnh mạch và các nhân viên y tế cũng phải chuyển sang chế độ chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân này. Các điều dưỡng phải chăm sóc nam phi công từ việc truyền dịch cho tới tiêm thuốc, từ việc theo dõi nhịp thở cho tới vệ sinh cơ thể…

Để đảm bảo tránh lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng, các y bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân 91 đều được cách ly tại khách sạn trong vòng 6 tuần. Họ phải tạm gác lại gia đình, gửi gắm con cái để tập trung điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân.

Sau nhiều lần kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, Bộ Y tế quyết định chuyển bệnh nhân 91 qua Bệnh viện Chợ Rẫy để chuẩn bị các phương án ghép phổi.

Chiều 22/5, bệnh nhân phi công người Anh được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM qua Bệnh viện Chợ Rẫy, điều dưỡng Lê Thị Hồng Thắm – khoa Hồi sức cấp cứu là người trực tiếp tiếp nhận bệnh nhân này. Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất mà chị phải đối mặt, song để làm hài lòng người bệnh, mỗi khi rảnh rỗi, điều dưỡng Thắm mày mò lên mạng học thêm tiếng Anh. Khi nam phi công tỉnh táo, các bác sĩ chỉ định cho tập vật lý trị liệu sau thời gian dài nằm trên giường bệnh, Thắm cùng đồng nghiệp tỉ mẩn từng thìa nước, chén cháo, từng cử động nhỏ ở khớp tay, ngón chân của người bệnh.

"Em chú ý nhiều đến việc quan sát bệnh nhân qua máy thở, qua monitor, đặc biệt chú ý về nhịp thở của bệnh nhân để xem bệnh nhân có phản xạ hay chưa. Tuy bệnh nhân mê nhưng em vẫn cố gắng nói cho bệnh nhân nghe trước khi em làm một thủ thuật nào"- điều dưỡng Thắm xúc động kể.


Khi bệnh nhân 91 càng tỉnh táo, ổn định về sức khỏe thì các điều dưỡng càng áp lực và vất vả hơn, túc trực chăm sóc suốt 24 giờ, đảm bảo theo dõi sát sao tình hình bệnh nhân.

Điều dưỡng trưởng Hoàng Thị Thi, khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Điều dưỡng trong khoa được chia làm 3 ca, mỗi ca đều có điều dưỡng trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân và điều dưỡng vòng ngoài, để kịp thời hỗ trợ cho nhau. Công tác phòng chống lây nhiễm cũng được kiểm soát chặt chẽ. Các điều dưỡng được phân bổ cố định chăm sóc cho bệnh nhân 91, có lối vào và lối ra riêng. Những điều dưỡng khác cũng phải tăng cường chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân khác, để 3 ca điều dưỡng có thể tập trung chăm sóc cho nam phi công Anh. Đặc biệt sau khi bệnh nhân hồi tỉnh, do bệnh nhân cao to nên phải luôn có kíp điều dưỡng gồm 2 người túc trực xuyên suốt bên nam phi công: "Khi mà mỗi ngày bệnh nhân ổn hơn thì mọi người đều suy nghĩ theo chiều hướng đang là tốt nhất rồi, đang chờ để hồi phục thôi, nhưng thực sự thì là áp lực rất lớn cho điều dưỡng. Thực sự khi bệnh nhân ổn rồi mà các em vẫn 24/24, khi mà bệnh nhân có thể quay qua lại, nhìn ngó khắp nơi nhưng vẫn bắc ghế ngồi nhìn theo dõi ông ấy".

Theo bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân 91 vô cùng vất vả, luôn theo dõi sức khỏe sát sao và báo bác sĩ mỗi khi có chuyện bất thường. Đặc biệt, sau khi bệnh nhân hồi tỉnh là những ngày tập vật lý trị liệu, việc dìu dắt di chuyển vô cùng khó khăn.

Những ngày sau đó, công việc của điều dưỡng thêm vất vả khi phải chăm sóc một bệnh nhân vừa “khó tính”, vừa nói tiếng Anh giọng Scotland rất khó nghe. Vượt qua mọi rào cản và trở ngại, điều dưỡng đã giúp bệnh phi công người Anh hồi phục từng ngày, từng ngày.

Và đến nay, bệnh nhân đã đủ tiêu chuẩn xuất khoa: "Đôi khi chúng tôi coi bệnh nhân giống như là người thân, người bạn. Các em điều dưỡng rất là cực. Mình bác sĩ có thể vào điều trị chăm sóc rồi ra, còn các em phải ngồi gần như 24/24. Khi bệnh nhân tỉnh thì gần như các bạn có thêm nhiệm vụ động viên, điều dưỡng nắm tay bệnh nhân nói hãy mạnh mẽ lên".


Đối với nhân viên y tế, tận tình cứu chữa cho người bệnh là mệnh lệnh từ trái tim, không chịu áp lực từ bên ngoài, không phân biệt quốc gia, dân tộc.

Là người bệnh Covid-19 nặng nhất, thời gian điều trị dài nhất, nên để neo lại sự sống cho bệnh nhân 91, cả ngành y tế Việt Nam phải dồn một lực lượng chuyên gia đông đảo nhất. Các y bác sĩ, điều dưỡng phải căng mình chạy đua giành giật mạng sống với tử thần. Với những nhân viên y tế, hành trình điều trị cho bệnh nhân này là câu chuyện dài không kể hết. Trên tất cả, trong trái tim người thầy thuốc, người điều dưỡng, cứu chữa cho bệnh nhân là mệnh lệnh, là thực hiện Lời thề Hippocrates thiêng liêng nhất./.   

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết