Vẫn phức tạp
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), 11 tháng năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 189 vụ TNGT làm chết 114 người, bị thương 152 người (trong đó, đường thủy xảy ra 6 vụ làm chết 7 người; còn lại là đường bộ). Các địa phương xảy ra TNGT nhiều nhất: Tân An (42 vụ), Đức Hòa (41 vụ), Thủ Thừa (23 vụ), Bến Lức (17 vụ), Cần Giuộc (11 vụ); Tân Trụ xảy ra ít nhất, chỉ có 1 vụ.
Vào những ngày nghỉ lễ, tết, cuối tuần, các tuyến quốc lộ qua địa bàn Long An luôn đông đúc
Trong các vụ TNGT, đường cao tốc có 10 vụ, quốc lộ 75 vụ, đường tỉnh 65 vụ, đường nội thị 12 vụ, đường nông thôn 14 vụ và các tuyến đường khác 7 vụ. Qua phân loại của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) có 3 vụ rất nghiêm trọng làm chết 6 người, bị thương 1 người và 111 vụ nghiêm trọng làm chết 101 người, bị thương 69 người.
Nếu so với cùng kỳ năm 2017 thì TNGT có chiều hướng giảm cả 3 tiêu chí: Số vụ, người chết, bị thương (số vụ giảm hơn 12%, người chết giảm 1,72%, bị thương giảm 14,6%). Tuy nhiên, giữa các địa phương trong tỉnh lại giảm không đều. Như Bến Lức, số vụ TNGT giảm sâu, bởi cùng kỳ năm trước xảy ra 36 vụ; thế nhưng ngược lại, có nơi TNGT vẫn tăng một ít so với cùng kỳ như TP.Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ và Tân Thạnh. Qua so sánh với cùng kỳ cũng cho thấy dù số vụ giảm khá nhiều nhưng người chết lại giảm không nhiều.
“Nguyên nhân xảy ra tai nạn nhiều nhất được xác định là đi không đúng phần đường, làn đường; lấn trái, không chú ý quan sát, tránh, vượt sai quy định,...” - Thượng tá Lại Văn Út - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, cho biết. Trong số nạn nhân của TNGT, nam giới vẫn chiếm tỷ lệ cao; ngoài ra, độ tuổi từ 18-27 tuổi xảy ra 45 vụ và từ 27-55 tuổi là 116 vụ. Trong khi đó, thời gian xảy ra TNGT nhiều nhất là từ 18 giờ đến 00 giờ (78 vụ) và từ 12 giờ đến 18 giờ (50 vụ).
Từ những thực trạng trên cho thấy, tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) vẫn diễn biến phức tạp. Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát giao thông, phức tạp nhất là các tuyến quốc lộ và vào thời điểm lễ, tết, mật độ, lưu lượng tham gia giao thông rất đông đúc. Việc thi công các công trình giao thông còn kéo dài làm mất diện tích mặt đường, ảnh hưởng đến TTATGT.
Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ xuống cấp, tình trạng ngập nước do mưa, bão xuất hiện nhiều “ổ voi, ổ gà” trên các tuyến giao thông gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Những nguyên nhân trên cũng dẫn đến TNGT và ùn tắc giao thông.
Cũng theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, từ đầu năm đến nay, trên đường bộ, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tổ chức hơn 55.600 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra, kiểm soát, phát hiện những vi phạm. Qua đó, lập biên bản hơn 39.000 vụ vi phạm với hơn 57.000 lỗi vi phạm, tạm giữ hơn 7.200 phương tiện các loại,... Trong khi đó, đường thủy nội địa tổ chức hơn 500 lượt tuần tra, kiểm soát. Từ đó, kiểm tra 10.600 phương tiện (210 phương tiện chở khách ngang sông), phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 2.352 trường hợp vi phạm.
Nhiều giải pháp thực hiện
Từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, TNGT vẫn xảy ra rất phức tạp, trong đó có nhiều vụ rất nghiêm trọng, lấy đi mạng sống và sức khỏe của nhiều người. Mới đây, vụ tai nạn vào chiều ngày 15/11 tại Cầu Voi 1, trên Quốc lộ 1, qua huyện Thủ Thừa, xảy ra vụ TNGT chết người. Thời điểm đó, người chồng điều khiển xe máy chở vợ về quê ở Trà Vinh nhưng khi đến Cầu Voi 1 lại chạy vào làn đường xe ôtô, không may tay lái va vào hàng rào chắn đang sửa chữa cầu nên bị té ngã. Người vợ văng ra đường, bị xe tải chạy phía sau lao tới cán tử vong, người chồng bị thương khá nặng. Nhiều người đề nghị đưa người chồng vào viện nhưng anh từ chối, ngồi đó thẫn thờ bên cạnh thi thể vợ trong nỗi đau đớn. Hình ảnh đó làm nhiều người xót xa.
Những năm qua, lực lượng chức năng phối hợp ngành giáo dục và đào tạo đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, trong đó có luật giao thông cho học sinh
Theo Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông), để kiềm chế TNGT, công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức rất quan trọng. Chính quyền, các ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATGT đến cán bộ, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân, với hình thức, nội dung phong phú; tăng cường tuyên truyền bằng phát loa lưu động, chiếu phim, video clip, triển lãm tranh ảnh cổ động và cảnh báo TNGT, hội thi, hội diễn, hệ thống truyền thanh, báo, đài,...
Song song đó, duy trì và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả nhằm kiềm chế TNGT, nâng cao ý thức của cộng đồng trong thực hiện nghiêm luật giao thông. Qua ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, nhiều nơi đã xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ giữ gìn an ninh, trật tự, ATGT như mô hình Đường quê an toàn; Đoạn đường an toàn; Đoạn đường xanh, sạch, đẹp, an toàn giao thông; câu lạc bộ Nông dân với pháp luật(có tuyên truyền pháp luật về giao thông),...
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức - Trần Văn Dũng, thời gian qua, trên địa bàn xảy ra tình trạng cắt phá hàng rào cao tốc Trung Lương - TP.HCM, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, gây mất ATGT. Vì vậy, câu lạc bộ Nông dân với pháp luật đẩy mạnh tuyên truyền trong người dân nhằm nâng cao ý thức, không cắt phá hàng rào. Đặc biệt, những năm gần đây, mô hình Camera an ninh đang được nhân rộng khắp nơi, phát huy hiệu quả rất cao. “Ngoài góp phần tích cực phòng, chống, phát hiện, bắt giữ tội phạm thì còn giám sát giao thông nhằm kịp thời điều tiết, đồng thời cung cấp chứng cứ quan trọng để điều tra các vụ TNGT” - Thượng tá Phạm Thanh Tâm - Trưởng Công an huyện Cần Giuộc, cho biết.
Đối với lực lượng cảnh sát giao thông, tiếp tục đề ra những kế hoạch, nhiệm vụ để thực hiện kiềm chế TNGT. Trong đó, có một số giải pháp chính như tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm; xây dựng và thực hiện hiệu quả những kế hoạch, chuyên đề để ngăn ngừa, phòng, chống, kéo giảm TNGT, nhất là trong những ngày lễ, tết,...
Để ngăn ngừa, kiềm chế TNGT, các ngành, địa phương, lực lượng chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong kiểm tra, xử lý vi phạm trong xây dựng, lấn chiếm hành lang ATGT; tăng cường trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ATGT, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu. Kiên quyết xử lý nghiêm những tiêu cực nếu có trong thực hiện công vụ trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông. Công tác rà soát các địa điểm bất cập về hạ tầng giao thông cần được quan tâm thực hiện tốt để kiến nghị sửa chữa, đầu tư thay thế. Một trong những điểm rõ nét chính là một số điểm đen về TNGT gây nhức nhối, lo lắng cho người đi đường đã và đang được khắc phục những bất cập về hạ tầng.
Như vỉ sắt trên cầu Tân An thường gây ra tai nạn đã được khắc phục; dải phân cách Cầu Voi 1 (trên Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Thủ Thừa) cũng được tháo bỏ, đấu nối 2 mặt cầu thành một; cầu Bến Lức (làn từ TP.HCM về Long An) đang được tu sửa; đường tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP.Tân An thường xuyên quá tải, mặt đường nhiều đoạn ngập nước, xảy ra nhiều vụ TNGT tiếp tục được Trung ương đầu tư mở rộng.
“Về phía Ban ATGT tỉnh tiếp tục phối hợp các ngành, chính quyền địa phương khảo sát để kịp thời có giải pháp, kiến nghị khắc phục những bất cập liên quan đến hạ tầng, biển báo giao thông; đồng thời, phối hợp các ngành, chính quyền địa phương, lực lượng tiến hành kiểm tra việc lắp đặt rào chắn, cảnh báo, đèn chiếu sáng bảo đảm an toàn, tránh tình trạng gây cản trở giao thông dẫn đến xảy ra những tai nạn đáng tiếc” - Thường trực Ban ATGT tỉnh - Phùng Văn On nhấn mạnh./.
Lê Đức