Các DN đầu tư xây dựng nhà xưởng tại KCN Tân Kim, huyện Cần Giuộc
Đánh thức tiềm năng
Ông Nguyễn Văn Bình, người dân ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, vùng đất này còn nghèo khó lắm. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao do đất đai thường xuyên bị ngập mặn, nhiễm phèn. Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, đến nay, đường giao thông được xây dựng nối liền. Quốc lộ 50 là tuyến đường huyết mạch kết nối 2 huyện Cần Đước, Cần Giuộc với TP.HCM được nâng cấp, mở rộng khang trang. Các tuyến đường về trung tâm xã được nhựa hóa; đường trục chính nội đồng bê tông hóa ngày càng nhiều;… Tất cả mang lại cho vùng hạ nghèo khó ngày nào một sắc diện mới”.
Hiện nay, vùng hạ có 7 khu công nghiệp (KCN) (Cần Đước có 3 KCN, Cần Giuộc có 4 KCN). Trong đó, có 5 khu đi vào hoạt động, thu hút 16.072 lao động địa phương và các vùng lân cận.
Trưởng Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh - Nguyễn Văn Tiều cho biết: “Xây dựng hạ tầng đồng bộ là một trong những thành tựu nổi bật của các huyện vùng hạ nhằm “mở cửa” đón các nhà đầu tư, đánh thức tiềm năng phát triển công nghiệp cho vùng đất nhiễm phèn, ngập mặn ngày nào. Theo số liệu thống kê, các DN hoạt động trong các KCN Cần Đước, Cần Giuộc đều duy trì và tăng doanh thu so với cùng kỳ, không có tình trạng thua lỗ hoặc phá sản”.
KCN Long Hậu (Cần Giuộc) hiện có hơn 112 DN đầu tư vào với tổng vốn gần 270 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy đạt 98,19%; KCN Tân Kim có 74 DN đang đầu tư vào, tổng vốn hơn 43 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy gần 80%. KCN Long Hậu mở rộng và KCN Tân Kim mở rộng có 55 nhà đầu tư tìm đến với tổng số vốn 146 triệu USD.
Trên địa bàn huyện Cần Đước, ngoại trừ KCN Phước Đông chưa đi vào hoạt động, còn lại KCN Cầu Tràm và KCN Thuận Đạo mở rộng thu hút 32 DN đầu tư vào với tổng vốn gần 352 triệu USD. Những KCN này hứa hẹn một tương lai không xa sẽ góp phần giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động tại địa phương và các khu vực lân cận.
Công nhân làm việc tại các DN trong KCN Cầu Tràm, huyện Cần Đước
Sức sống mới ở vùng hạ
Nhằm khai thác lợi thế vùng cửa biển, nhiều cơ chế thích hợp được áp dụng, thu hút đầu tư vào các KCN như: Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, Tân Tập, Long Cang, Long Định, Cầu Tràm,… các KCN vùng hạ bước đầu tạo nên bước đột phá mới.
Hơn 2.000ha đất hằng năm phải gánh chịu nhiễm mặn từ 6-7 tháng, sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển mục đích sử dụng để xây dựng các nhà máy đóng tàu, nhà máy nghiền xi măng, sản xuất thức ăn chăn nuôi, xây dựng cảng biển,… tạo việc làm cho hơn 16.000 lao động tại chỗ. Sau gần 10 năm hình thành, đến nay, chỉ tính riêng KCN Long Hậu có trên 112 nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy toàn khu là 98,19% diện tích.
Kinh tế phát triển, cuộc sống người dân vùng hạ ngày càng khởi sắc. Vùng hạ ngày nay qua rồi thời nghèo khó và đang thực sự chuyển mình với một sức sống mới.
KCN Tân Kim mở rộng có quy mô hơn 80ha, tọa lạc gần thị trấn Cần Giuộc, kết nối với KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) và khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM). Các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư vào KCN Tân Kim mở rộng là các ngành nghề thuộc công nghiệp sạch và ít ô nhiễm như: Công nghiệp may, sản xuất đồ gỗ, sản xuất hàng tiêu dùng, mỹ phẩm,… Cảng Long An được quy hoạch trên diện tích gần 2.000ha (bao gồm cảng, các dịch vụ cảng, KCN, khu đô thị,…). Hiện nay, giai đoạn 1 dự án Cảng Long An hoàn thành khoảng 90%.
Vùng hạ có lợi thế là đường liền đường, sông liền sông, cửa ngõ thuận tiện đi về TP.HCM nên thu hút nhiều dự án phát triển công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu, thuyền, sản xuất vật liệu xây dựng, luyện thép, chế tạo máy nông cơ, chế biến thức ăn thủy sản, chế biến nông sản, hải sản,…
Tiếp tục phát huy nội lực, khai thác lợi thế và tiềm năng sẵn có, vùng hạ đang phấn đấu vượt qua những khó khăn, hội nhập và phát triển theo hướng bền vững.
Sau 40 năm xây dựng, không chỉ phát triển công nghiệp, nông nghiệp mà vùng hạ còn “hứa hẹn” cho sự phát triển cả về thương mại-dịch vụ, trong đó du lịch về các khu di tích lịch sử - văn hóa gắn với du lịch cảnh quan sông nước cũng đang thu hút các nhà đầu tư./.
Song Hồng