Tiếng Việt | English

03/09/2017 - 01:05

Tân Trụ: Chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn

Dạy nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo bền vững; thời gian qua, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An rất quan tâm công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là mở các lớp dạy kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP, từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Sau khi tham gia lớp kỹ thuật trồng cây thanh long, người dân được tiếp cận khoa học - kỹ thuật và biết cách chăm sóc 

Tân Trụ là huyện nông nghiệp, người dân sống chủ yếu nhờ vào cây lúa. Tuy nhiên, những năm gần đây, Tân Trụ phát triển cây thanh long. Chính vì vậy, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức nhiều lớp dạy nghề kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP cho nông dân.

Trong 7 tháng năm 2017, huyện mở 9 lớp kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP, với gần 300 người tham gia. Thông qua những lớp dạy nghề này, người dân tiếp cận kỹ thuật trồng thanh long, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất.

Xã Đức Tân là một trong những địa phương có diện tích trồng cây thanh long lớn trong huyện. Chủ tịch UBND xã Đức Tân - Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Hiện nay, xã có 90ha thanh long. Trước đây, hầu hết người dân chưa biết kỹ thuật chăm sóc nên thanh long thường xuyên bị bệnh, năng suất thấp, giá bán thấp. Thế nhưng, sau khi được địa phương mở các lớp dạy kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP, người dân rất mừng, ứng dụng kiến thức được học để chăm sóc thanh long tốt hơn, năng suất cao hơn. Nhờ có cây thanh long mà đời sống người dân trong xã được nâng lên rõ rệt; dự kiến cuối năm, xã giảm ít nhất 15 hộ nghèo”.

Ông Phạm Văn Hơn, ngụ ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, chia sẻ: “Năm 2014, gia đình tôi chuyển sang trồng thanh long. Lúc đó, chủ yếu học tập kinh nghiệm từ những người xung quanh nên thanh long của tôi cho trái nhỏ, bán không được giá.

Cuối năm 2014, tôi được địa phương cho tham gia lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long, qua đó, tôi biết cách chọn giống, tỉa cành, tạo tán, bón phân, giữ ẩm,... nhất là cách phòng trị bệnh thối cành, đốm nâu, nám cành,...; từ đó, năng suất tăng, trái to, bán có giá hơn”.

Thời gian tới, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tiếp tục điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để phối hợp mở những lớp phù hợp. Với sự quan tâm của huyện trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP, giúp người dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật để tiến tới ứng dụng công nghệ cao trên cây thanh long./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết