Tiếng Việt | English

05/08/2016 - 21:04

Hiệu quả thiết thực từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Đức Hòa

Thời gian qua, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 27/11/2009 đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Để thực hiện tốt Đề án 1956, huyện Đức Hòa đã chủ động xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu và tổ chức triển khai chương trình này đến các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn trên địa bàn. Nhờ công tác tuyên truyền tích cực, tăng cường công tác điều tra, khảo sát nên đã củng cố, nắm bắt được nhu cầu học nghề của các đối tượng và các nhóm nghề đào tạo nên đã thu hút được hầu hết các đối tượng lao động nông thôn tham gia học nghề.

Các học viên tham gia lớp đào tào nghề phi nông nghiệp

Từ khi thực hiện đến nay, huyện Đức Hòa đã tổ chức mở được 112 lớp đào tạo nghề thu hút trên 3.416 học viên tham dự. Trong đó, các học viên được đào tạo ờ 2 nội dung chính là nhóm ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cụ thể như: Lớp may công nghiệp, kĩ thuật sửa chữa máy may, kĩ thuật hàn, điện dân dụng, bảo vệ thực vật, kĩ thuật trồng cây kiểng, thú y trên gia súc, kỹ thuật chăn nuôi trâu bò,...

Ông Võ Thanh Quang - người dân xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa chia sẻ: Sau khi tham gia lớp học nghề kỹ thuật chăn nuôi trâu bò, tôi cảm thấy kiến thức của mình được nâng lên, từ đó tự tin hơn trong dùng thuốc trị bệnh cho đàn bò nhà mình. Những lớp đào tạo nghề nông thôn như thế này mang lại hiệu quả rất thiết thực cho người dân.

Nhìn chung, các học viên của các lớp học nghề phi nông nghiệp sau khi hoàn thành khóa học đều có việc làm ổn định, theo thống kê của huyện thì có gần 90% học viên được làm việc tại các cơ sở sản xuất, dịch vụ, doanh nghiệp trên địa bàn. Đối với các lớp nghề nông nghiệp, sau khi học xong học viên đã biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất.

Trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng qua đào tạo của các doanh nghiệp tăng mạnh, phân bổ chủ yếu ở hầu hết các ngành kinh tế như: Công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ. Do đó, nhu cầu mở các lớp dạy nghề là hết sức cần thiết và có ý nghĩa sâu rộng, đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Đặc biệt là đối tượng lao động nông thôn trên lĩnh vực phi nông nghiệp.

Các học viên tham gia lớp đào tào nghề

Ông Trần Công Quyền - Phó trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đức Hòa cho biết: Giai đoạn 2015-2020, chỉ tiêu đào tạo nghề cho toàn huyện là 2.500 lao động nông thôn; 800 lượt cán bộ cấp xã với tổng kinh phí thực hiện ước trên 14 tỉ đồng. Để thực hiện được chỉ tiêu trên huyện Đức Hòa đã đề ra những giải pháp thực hiện như: Kiện toàn BCĐ thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền chế độ, chính sách của đề án đến nhân dân, đặc biệt là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân của huyện; đầu tư hoạt động điều tra, rà soát, nắm chắc nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh; không tổ chức đào tạo khi chưa dự báo được nơi làm việc, việc làm sau đào tạo; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án;…

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực lao động tại địa phương, đáp ứng nhu cầu xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Từ đó, giải quyết được chương trình giảm nghèo, chuyển dịch được cơ cấu lao động nông thôn theo hướng phát triển toàn diện, cùng với các địa phương đưa kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển./.

Quỳnh Trang

Chia sẻ bài viết