Tiếng Việt | English

13/08/2020 - 19:26

Đào tạo nghề gắn với thị trường lao động

Đào tạo nghề gắn với thị trường lao động giúp trên 98% học viên, sinh viên ra trường có việc làm ổn định, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Long An.

Công tác đào tạo nghề ngày càng được nâng cao về chất lượng đào tạo

Công tác đào tạo nghề ngày càng được nâng cao về chất lượng đào tạo

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An, hiện nay, doanh nghiệp rất cần công nhân tốt nghiệp các ngành như: Lắp đặt thiết bị cơ khí, hàn, cắt gọt kim loại, cơ điện tử, điện công nghiệp, công nghệ ô tô,... Tất cả những học viên, sinh viên tốt nghiệp những ngành nghề trên đều được các doanh nghiệp mời về làm việc, với mức lương khởi điểm thấp nhất 6 triệu đồng/tháng.

Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Long An - Phạm Thị Trinh cho biết: “Hàng năm, trường đều tổ chức điều tra thị trường lao động, từ đó mạnh dạn bỏ những ngành thị trường không cần và mở những ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Điển hình, trường đã liên kết với một số doanh nghiệp đào tạo nhiều ngành nghề ngắn hạn như sản xuất cọc bêtông ly tâm, tiện kim loại, điện lạnh dân dụng,...”.

Còn tại Trường Cao đẳng Long An, việc liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp những năm qua được làm rất bày bản, không mang tính hình thức. Cụ thể, trường ký kết hợp tác đào tạo với nhiều doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào chương trình giảng dạy lý thuyết và thực hành cho học sinh, sinh viên, nhất là chấm điểm cho từng phần học thay vì chỉ đánh giá quá trình thực tập của học sinh, sinh viên tại doanh nghiệp như trước đây.

Để thực hiện tốt Đề án Đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, Trường Cao đẳng Long An và Công ty TNHH ESUHAI ký kết hợp tác toàn diện, trong đó hai bên thỏa thuận cùng nhau trực tiếp tham gia tuyển sinh và phân luồng học sinh sang học nghề, học ngoại ngữ và văn hóa nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Minh Tâm khẳng định: “Đa số các đơn hàng mà thị trường lao động nước ngoài cần chủ yếu tập trung vào các ngành cơ khí, điện tử. Riêng ngành Điều dưỡng - Hộ lý, thị trường lao động Nhật Bản rất cần, với mức lương rất cao. Tuy nhiên, trường chưa có mã ngành và giáo viên giảng dạy, vì vậy việc ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH ESUHAI đào tạo nghề Điều dưỡng - Hộ lý là việc làm rất có ý nghĩa, giải quyết được khó khăn của trường hiện nay”.

Học nghề có việc làm ổn định

Học nghề giúp sinh viên có việc làm ổn định

Đào tạo nghề có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế, văn hóa- xã hội phát triển. Xác định được vai trò này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sự quan tâm của các cấp, các ngành đầu tư kinh phí cho đào tạo nghề. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước đầu tư 101,912 tỉ đồng (ngân sách Trung ương 28 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 73,912 tỉ đồng) xây dựng cơ sở vật chất, trang bị thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Đến nay, cơ sở vất chất của các cơ sở này đáp ứng được quy mô đào tạo hiện đại.

Em Trần Hải Đăng (Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính) bộc bạch: “Trước khi đăng ký học nghề hàn, em đã tìm hiểu kỹ về nghề này. Nghề hàn có thể làm việc ở rất nhiều ngành nghề khác nhau như công nghệ chế tạo tàu thủy, công nghiệp thủy điện, ngành chế tạo máy,... Đặc biệt, trong quá trình học, người học có thể tham gia học ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng tay nghề để đi làm việc nước ngoài sau khi tốt nghiệp, do đó em mạnh dạn học nghề hàn. Tin rằng, với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giảng viên giỏi, em sẽ sớm thực hiện được ước mơ đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian không xa”.

Có thể thấy, những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn lấy chất lượng để xóa dần quan điểm “trọng thầy hơn thợ”, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết