Tiếng Việt | English

06/10/2022 - 09:05

Nguồn nhân lực là động lực của phát triển

Thực tế khẳng định nơi nào có nguồn nhân lực chất lượng và dồi dào thì nơi đó phát triển mạnh về kinh tế - văn hóa - xã hội; đồng thời, mức sống người dân cũng không ngừng nâng lên.

Nhiều việc làm cụ thể, thiết thực

Xác định phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả để hoàn thành Chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh, thời gian qua, các cấp, các ngành đều quan tâm lãnh, chỉ đạo và đầu tư cho phát triển GDNN.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Công ty TNHH ESUHAI ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Quốc Hùng chia sẻ: “Trường được các cấp, các ngành quan tâm bố trí ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị, máy móc đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điển hình, tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư Trường Cao đẳng Long An với tổng mức đầu tư 77 tỉ đồng từ vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.

Ngoài ra, trường còn được Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ từ Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” với các nội dung như đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn của Cộng hòa Liên bang Đức; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; bố trí chuyên gia đến trường để đào tạo nghề Cơ điện tử theo chuẩn Đức; cấp học bổng cho học sinh, sinh viên;...

Với những thuận lợi trên, trường tin tưởng sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường lao động (LĐ) cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, nhất là các ngành nghề kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện mục tiêu đưa Long An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp”.

Học sinh tham gia Hội thảo Hướng nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền được xem là biện pháp để thay đổi nhận thức của người dân về quan điểm “trọng thầy hơn thợ” hoặc giúp họ nhận thức rõ về tầm quan trọng của GDNN trong nền kinh tế thị trường, đòi hỏi công nhân có tay nghề, kỹ thuật cao. Theo đó, các cơ sở GDNN chủ động tổ chức tuyên truyền các nội dung liên quan về thị trường LĐ, mức lương, các ngành nghề thị trường cần,... thông qua nhiều hình thức như phối hợp các cơ quan báo chí; đăng thông tin tuyên truyền lên website của đơn vị; tiếp cận trực tiếp người lao động qua công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh hàng năm; tổ chức ngày hội việc làm; tổ chức cho học sinh các trường THPT, THCS đến tham quan thực tế tại cơ sở đào tạo nghề.

Lê Phú Sang (học viên Trường Cao đẳng Long An) bày tỏ: “Được đến tìm hiểu về các ngành nghề đang đào tạo tại trường và được tư vấn về nhu cầu LĐ của thị trường, em quyết định chọn học ngành Cơ điện tử. Đây là ngành có nhu cầu tuyển dụng LĐ rất lớn ngay cả trong và ngoài nước. Khi học ngành này tại trường có chuyên gia người nước ngoài trực tiếp giảng dạy nên em rất an tâm về chất lượng đào tạo. Hiện nay, em vừa học nghề, vừa học tiếng Nhật để sau khi hoàn thành chương trình học sẽ xin đi làm việc ở nước ngoài”.

Trách nhiệm không của riêng ai

Điểm nổi bật trong hành trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn là việc triển khai, thực hiện Đề án Đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mục tiêu của đề án là mỗi năm đưa 1.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2022, tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương.

Điều này bắt buộc các địa phương phải tích cực vận động, tuyên truyền và kết nối với các đơn vị liên quan tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp, thị trường LĐ cho người LĐ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Song, các địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tạo nguồn LĐ đi làm việc ở nước ngoài với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là công tác tuyên truyền chưa đến nơi, đến chốn, chưa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Tân Trụ - Nguyễn Thị Phúc cho biết: “Năm 2022, huyện được phân bổ chỉ tiêu đào tạo nguồn và đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài là 30 LĐ. Để đạt chỉ tiêu tỉnh giao, huyện chủ động phối hợp các công ty, doanh nghiệp có đủ chức năng đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài tổ chức tư vấn về mức lương, chế độ, các chính sách hỗ trợ vay vốn của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, số người LĐ đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn huyện rất thấp, chỉ có 10 người, không đạt so với chỉ tiêu”.

Trường Cao đẳng Long An được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo

Không riêng huyện Tân Trụ, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt chỉ tiêu. Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh chỉ có 303 người tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, 283 người làm việc tại Nhật Bản, 17 người làm việc tại Đài Loan, còn lại LĐ tại nước khác.

Ngoài những khó khăn về thực hiện Đề án đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong công tác GDNN. Cụ thể, quy mô tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số tuyển sinh đào tạo; đội ngũ nhà giáo thiếu so với quy mô đào tạo; thiết bị đào tạo một số ngành nghề chưa được đầu tư đầy đủ nên LĐ sau đào tạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường LĐ, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Đại Tánh cho biết: “Thời gian tới, Sở tiếp tục nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền về công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, phân luồng và đào tạo nguồn nhân lực; cung cấp thông tin, dữ liệu về tuyển sinh đào tạo nghề của các cơ sở GDNN, về nhu cầu tuyển dụng LĐ của doanh nghiệp cho các phương tiện truyền thông, các ứng dụng số, chú trọng việc triển khai trực tiếp đến các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN. Song song đó, Sở sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN triển khai chính sách thu hút tuyển dụng giáo viên hoặc chọn cử giáo viên định kỳ thực tập ở các doanh nghiệp để tiếp cận các kỹ thuật mới nhất; đồng thời, yêu cầu các cơ sở GDNN rà soát, cập nhật, đổi mới chương trình để nâng cao chất lượng giảng dạy”.

Sở LĐ-TB&XH cũng tiếp tục vận động các doanh nghiệp cải thiện mức lương và các chế độ ưu đãi về đi lại, nhà ở, tiền ăn,... để giữ chân người LĐ và thu hút nguồn LĐ từ các tỉnh lân cận đến Long An làm việc; triển khai, thực hiện các chính sách: Hỗ trợ người LĐ và người sử dụng LĐ, đào tạo nghề cho LĐ trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần thu hút người LĐ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh./.

Hiện nay, lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 72,49%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,41%. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh có lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Để đạt mục tiêu đề ra, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần đưa tỉnh phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết