Tiếng Việt | English

30/03/2023 - 14:08

Đặt lên 'bàn cân' bom thông minh GLSDB và hệ thống tên lửa HIMARS

Ukraine hiện đang sử dụng bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) do Mỹ cung cấp, giúp nâng cao khả quân sự của Kiev so với hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).

GLSDB là loại đạn kết hợp giữa rocket M26 và bom đường kính nhỏ GBU-39, có thể phóng từ bệ mặt đất như tổ hợp pháo phản lực phóng loạt M270 (MRLS) và tổ hợp HIMARS.

Mỹ đã cung cấp cho Ukraine bom GLSDB có tầm bắn tới 150km. Ảnh: SAAAB

Ngày 28/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đã bắn hạ bom dẫn đường GLSDB cùng với 18 tên lửa sử dụng cho hệ thống pháo phản lực HIMARS. Cả GLSDB và HIMARS đều do Mỹ cung cấp.

Thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cho thấy Ukraine đang tích cực sử dụng vũ khí mới, được Mỹ cam kết chuyển giao vào đầu tháng 2. Tướng Pat Ryder, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho rằng GLSDB sẽ mang lại cho Ukraine “năng lực tấn công chính xác ở tầm xa hơn”.

“GLSDB sẽ cho phép các máy bay chiến đấu của Ukraine tiến hành các hoạt động bảo vệ đất nước và giành lại lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát”, ông Ryder nói thêm.

“Nếu chúng tôi sở hữu vũ khí có khả năng tấn công tầm xa và quân đội của chúng tôi càng cơ động thì cuộc xung đột với Nga sẽ càng sớm kết thúc”, Tổng thống Volodymyr Zelensky viết trên Twitter khi Mỹ thông báo gửi GLSDB cho Ukraine.

Sau khi Mỹ lên kế hoạch gửi GLSDB cho Ukraine, Điện Kremlin dẫn lời Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói cảnh báo rằng: “Điều này gây ra nguy cơ rất lớn, nó đồng nghĩa với việc đưa xung đột tới một cấp độ hoàn toàn mới, không được tốt đẹp lắm từ góc độ an ninh toàn cầu và liên châu Âu”.

GLSDB, do Boeing và Saab hợp tác sản xuất, có phạm vi hoạt động khoảng 150km và vẫn giữ được độ nhắm mục tiêu chính xác trong những khoảng cách này. Bom thông minh GBU-39 được Mỹ nghiên cứu vào đầu thập niên 2000 và chính thức trang bị vào năm 2006.

HIMARS, do nhà sản xuất quốc phòng Lockheed Martin phát triển, được Mỹ cam kết chuyển giao tới chiến trường ở Ukraine vào đầu mùa hè năm 2022. Hệ thống có thể phóng tới 6 tên lửa GMLRS hoặc một tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS), hệ thống Ukraine mong muốn có được nhưng Mỹ không cung cấp.

HIMARS được ca ngợi là đã tạo ra sự khác biệt trên chiến trường sau khi được chuyển tới Ukraine vào cuối tháng 6/2022. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov gọi HIMARS là “công cụ mạnh mẽ” và Tổng thống Zelensky cho rằng “HIMARS và các vũ khí chính xác khác đang xoay chuyển cục diện xung đột theo hướng có lợi cho Ukraine”.

Theo Phillips O'Brien – Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, ngay sau khi xuất hiện trên chiến trường ở Ukraine, HIMARS đã được sử dụng để nhằm vào các mục tiêu và trung tâm chỉ huy cố định của Nga. Chúng có tầm bắn ngắn hơn GLSDB khoảng 80km nhưng điều này phụ thuộc vào loại đạn sử dụng./.

Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)

Chia sẻ bài viết