Tiếng Việt | English

28/06/2019 - 04:37

Dấu hiệu tan băng mới nhất trong quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 27/6 bày tỏ sẵn sàng tới thăm Nhật Bản với tư cách "quốc khách" vào mùa Xuân năm tới trong chuyến thăm đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi năm 2013.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G20. (Nguồn: Xinhua)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G20. (Nguồn: Xinhua)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 27/6 bày tỏ sẵn sàng tới thăm Nhật Bản với tư cách "quốc khách" vào mùa Xuân năm tới trong chuyến thăm đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi năm 2013.

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự tan băng trong mối quan hệ giữa hai cường quốc châu Á.

Theo Kyodo, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka cuối tuần này, ông Tập Cận Bình cho rằng thăm Nhật Bản vào mùa Xuân năm tới là một "ý kiến hay."

Ông đồng thời cam kết nỗ lực xây dựng "kỷ nguyên mới" cho các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Abe đã mời Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Nhật Bản với tư cách quốc khách khi "hoa anh đào nở."

Ông Abe cho biết Nhật Bản mong muốn hợp tác với Trung Quốc để củng cố các mối quan hệ đang căng thẳng giữa hai nước, đồng thời cho rằng mối quan hệ song phương đã hoàn toàn trở lại đúng hướng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có mặt ở Osaka để tham dự hội nghị G20, nhưng lần này không phải với tư cách là một khách mời nhà nước. Lần gần đây nhất, ông thăm Nhật Bản là vào năm 2009 với cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc.

Chuyến thăm gần đây nhất của một lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc tới Nhật Bản là chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào vào tháng 11/2011 để tham dự cuộc gặp các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại thành phố Yokohama.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng trong nhiều năm do các vấn đề lịch sử và tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku trên Biển Hoa Đông, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư (Diaoyu)

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, mối quan hệ song phương đang chuyển biến tích cực.

Kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái, Tokyo và Bắc Kinh đang tìm cách khôi phục song phương./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết