Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên
Chung tay bảo vệ trẻ em gái
Trẻ em gái VTN trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức so với trẻ em trai cùng trang lứa. Ở nhiều quốc gia, một em gái khi đến tuổi dậy thì được gia đình và cộng đồng cho là sẵn sàng để kết hôn, mang thai và sinh con. Nhiều trẻ em gái có thể bị ép phải kết hôn sớm và bỏ học, ảnh hưởng đến sức khỏe. Không được đi học, sức khỏe không tốt và gần như không kiểm soát được cơ thể của mình, tương lai của các em có thể bị hủy hoại, tiềm năng của các em có thể sẽ không bao giờ được phát huy.
Long An hiện có gần 250.000 trẻ trong độ tuổi từ 10-19 tuổi, trong đó, trẻ em gái chiếm khoảng 50%. Dù hiện tại, vị thế của nữ giới được rút ngắn khoảng cách rất nhiều so với thời gian trước nhưng vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng trọng nam, khinh nữ, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, trình độ học vấn còn hạn chế. Chị Nguyễn Thị L.T. (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: “Tôi có 2 con gái, vợ chồng đều làm nông nên gói ghém chỉ vừa đủ sống. Tuy nhiên, gia đình chồng tôi vẫn muốn tôi sinh thêm con trai. Theo tôi, miễn các cháu biết vâng lời cha mẹ, học hành giỏi giang, nếu sinh thêm con thì cuộc sống sẽ càng chật vật hơn. Với tôi, dù con gái hay con trai đều đáng quý”.
Chính vì tư tưởng trọng nam, khinh nữ nên việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em gái cũng gặp nhiều hạn chế. Dù các cấp, các ngành thường xuyên phối hợp, chung tay chăm lo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái nhưng tình trạng xâm hại tình dục hay mang thai ở lứa tuổi VTN vẫn tồn tại. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2015, toàn tỉnh có 23 trường hợp trẻ em bị xâm hại. Trong 6 tháng đầu năm 2016 ghi nhận 4 trường hợp. Ngoài ra, trong 4.732 ca nạo phá thai trong toàn tỉnh năm 2015 thì có 313 trường hợp trong độ tuổi 15-19 tuổi (chiếm 6,62%). Ngoài ra, trong tổng số 20.294 ca sinh con năm 2015, có 899 trường hợp sản phụ ở độ tuổi từ 15-19 tuổi.
Học sinh thoải mái bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tâm sự cùng thầy, cô những vấn đề về tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên
Vẽ đường cho hưu chạy đúng
Trẻ em gái trong độ tuổi VTN đều có những thay đổi về tâm sinh lý, vì đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa thiếu nhi và người lớn. Đôi khi, có những rung động khác phái, những thắc mắc không biết ngỏ cùng ai, các em chỉ biết “rỉ tai” cùng bạn bè hay tự lên mạng tìm hiểu chứ không mạnh dạn nhờ thầy, cô tư vấn. Trước thực trạng trên, nếu không có sự can thiệp, hướng dẫn kịp thời từ nhà trường, gia đình và xã hội để các em có khả năng tự bảo vệ mình thì nguy cơ trẻ em nữ “chạy” lầm đường rất cao. Chính vì vậy, Đề án “Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) VTN/thanh niên” của ngành Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại các trường THCS, THPT luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhà trường, sự ủng hộ của phụ huynh học sinh.
Đề án nhằm cung cấp kiến thức về SKSS VTN, phòng tránh mang thai ngoài ý nuốn, kỹ năng sống và bảo vệ bản thân, nhất là đối với trẻ em nữ. Em Lê Thị Thùy Dung (học sinh lớp 7, Trường THCS Long Hậu, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Nhờ các thầy, cô tư vấn tâm lý, sức khỏe mà em hiểu rõ hơn về những thay đổi của cơ thể trong độ tuổi dậy thì. Chúng em cũng mạnh dạn chia sẻ để được thầy, cô giải đáp, không giấu giếm rồi về tìm hiểu thông tin không chọn lọc trên Internet dễ gây hoang mang, sai lầm đáng tiếc”.
Cán bộ DS-KHHGĐ nói chuyện chuyên đề sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên
Một số thông điệp chính của Ngày Dân số Thế giới 11/7/2016 - Trẻ em gái VTN cần phải được tạo điều kiện để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khỏe mạnh. Các em cũng cần phải có cơ hội để có thể có được tương lai tươi sáng. UNFPA, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc cam kết thúc đẩy, bảo vệ các quyền này và hỗ trợ trẻ em gái VTN để các em có thể tự đưa ra quyết định cho cuộc sống của mình. - Sự thành công của chương trình nghị sự phát triển bền vững phụ thuộc vào việc chúng ta hỗ trợ và đầu tư cho trẻ em gái VTN hiệu quả đến mức nào. |
Cô Lê Thị Bé Thơ - Phụ trách Tổ Tư vấn học đường của Trường THCS Long Hậu chia sẻ: “Đây là năm thứ 3, trường phối hợp các đơn vị liên quan, đặc biệt là Trung tâm DS-KHHGĐ huyện tổ chức các buổi tuyên truyền kỹ năng sống cho học sinh. Trong năm học, chúng tôi thường tổ chức 2 tuần/lần. Khi nghỉ hè thì lồng ghép vào các buổi sinh hoạt cộng đồng với Đoàn Thanh niên các xã. Ngoài ra, nhà trường còn có hòm thư nhỏ to tâm sự, ai có thắc mắc cứ việc ghi lời nhắn gửi vào, thầy, cô sẽ trả lời, bảo đảm tính riêng tư nên các em rất tin tưởng”.
Thời gian qua, tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Hiện tại, Đề án Mô hình CSSKSS VTN/thanh niên triển khai từ năm 2011 đến 2015 tại 46 trường THPT và tất cả các trường THCS trên toàn tỉnh.
Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh - Trần Thị Liễu, nhằm hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm nay, ngành DS-KHHGĐ sẽ phối hợp các cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền trọng điểm về Ngày Dân số Thế giới 11-7 và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện Chiến lược Dân số và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020; khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; kiểm soát mức sinh và duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, trong đó, chú trọng CSSK VTN, thanh niên.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền qua các tin, bài trên hệ thống phát thanh, truyền thanh; tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2020, vấn đề già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức sinh hợp lý, kiến thức SKSS VTN/thanh niên cho mọi tầng lớp nhân dân,... Tiếp tục triển khai các hoạt động tiếp thị xã hội về phương tiện tránh thai, bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời cho đối tượng có nhu cầu, chú trọng kênh cung cấp đa dạng, phù hợp cho đối tượng VTN/thanh niên. Đặc biệt, giới thiệu về Tổng đài tư vấn “Hạnh phúc cho mọi nhà” 1900.54.55.86 và website http://cpcs.vn/. Khi mọi người có khó khăn, thắc mắc về SKSS hay cần tư vấn tâm lý, những tâm sự thầm kín không thể bày tỏ cùng ai thì có thể liên hệ đến tổng đài để được chia sẻ./.
Phạm Ngân