Tiếng Việt | English

14/05/2023 - 17:30

Đầu vụ sản xuất lúa Hè Thu 2023, sâu, bệnh gây hại ít

Qua theo dõi, nắm tình hình của cơ quan chuyên môn, tình hình sâu, bệnh gây hại đầu vụ lúa Hè Thu 2023 trên địa bàn tỉnh Long An tương đối thấp, chủ yếu là sâu đục thân, sâu cuốn lá, đạo ôn lá, ốc bươu vàng và chuột, tỷ lệ nhiễm và mật độ gây hại thấp.

Sâu, bệnh gây hại đầu vụ sản xuất lúa Hè Thu 2023 ít

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh xuống giống được trên 133.000ha lúa vụ Hè Thu 2023, đạt 61% kế hoạch gieo sạ toàn vụ, bằng 84,4% so cùng kỳ năm 2022, tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.

Các giống chủ yếu được nông dân chọn sử dụng trong vụ này là OM 4900, OM 7347, Nàng Hoa 9, Đài thơm 8, ST24, RVT,… Đa số diện tích xuống giống trong giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Hiện trà lúa phát triển tốt, nông dân tích cực chăm sóc.

Qua theo dõi, nắm tình hình của cơ quan chuyên môn, tình hình sâu, bệnh gây hại đầu vụ lúa Hè Thu 2023 chủ yếu là sâu đục thân, sâu cuốn lá, đạo ôn lá, ốc bươu vàng và chuột, tỷ lệ nhiễm và mật độ gây hại thấp. Cụ thể, ốc bươu vàng diện tích nhiễm 1.325ha, mật số nhiễm phổ biến từ 2-6 con/m2, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn mạ ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường.

Ngoài ra, các đối tượng sinh vật gây hại khác: Sâu đục thân (605ha), bệnh đạo ôn lá (500ha), chuột (230ha), ngộ độc phèn (90ha), sâu cuốn lá nhỏ (80ha), bọ trĩ (6ha),... xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Đức Hòa và thị xã Kiến Tường.

 Anh Lê Hồng Thanh, nông dân xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, cho biết, vụ Hè Thu 2023, gia đình anh sản xuất 5ha lúa (giống Đài thơm 8). Đến thời điểm này, lúa được trên 20 ngày tuổi, chưa thấy xuất hiện sâu, bệnh gây hại trên trà lúa. Hiện lúa phát triển tốt.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Bằng thông tin: Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện xuống giống được 28.599/28.315ha, đạt 101% kế hoạch (giai đoạn mạ 8.580ha, giai đoạn đẻ nhánh 20.019ha). Hiện trà lúa phát triển tốt, nhờ công tác phòng, ngừa ngay từ đầu vụ nên sâu, bệnh gây hại ít. Theo số liệu thống kê của huyện, có trên 300ha lúa bị nhiễm sâu cuốn lá, chuột và ốc bươu vàng gây hại mức độ nhẹ.

Tại huyện Tân Hưng, đến thời điểm này, nông dân xuống giống cơ bản dứt điểm lúa vụ Hè Thu 2023 với diện tích gần 36.600ha (có trên 8.500ha giai đoạn mạ, trên 19.000ha giai đoạn đẻ nhánh và trên 8.000ha cho thu hoạch). Dịch bệnh gây hại chủ yếu là đạo ôn lá, sâu đục thân, ốc bươu vàng với diện tích gần 350ha, tỷ lệ nhiễm nhẹ, chủ yếu trên trà lúa mạ và đẻ nhánh; các loài sâu, bệnh khác gây hại không đáng kể.

Nông dân chăm sóc lúa Hè Thu

 Dự báo của ngành chuyên môn, tuần tới, rầy nâu xuất hiện rải rác, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, chuột,... gia tăng diện tích nhiễm trên lúa Hè Thu 2023 giai đoạn mạ và đẻ nhánh.

Để bảo đảm vụ mùa thắng lợi, trên cơ sở khuyến cáo của ngành chuyên môn, nông dân cần chủ động trong việc chăm sóc, kịp thời phát hiện sâu, bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả./.

                                                                                        Văn Đát

Chia sẻ bài viết