Tiếng Việt | English

12/08/2024 - 09:17

Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và nâng cao chất lượng dân số (DS) tại vùng mức sinh thấp và mức sinh thay thế là hoạt động hàng năm của công tác DS và phát triển. Mục tiêu của chiến dịch nhằm tăng cường truyền thông, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ cho phụ nữ (PN) tại các địa phương trong tỉnh.

Tham gia chiến dịch, phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại miễn phí

Tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại

Nhằm đạt hiệu quả cao trong chiến dịch, mỗi địa phương có cách làm riêng, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn dân cư. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, trạm y tế các xã, phường trên địa bàn TP.Tân An, tỉnh Long An phối hợp cộng tác viên (CTV) DS - gia đình và trẻ em (gọi tắt CTV DS) rà soát PN trong độ tuổi sinh đẻ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Đội dịch vụ lưu động hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện dịch vụ kỹ thuật tại trạm y tế các xã, phường bảo đảm thuốc thiết yếu, trang thiết bị, dụng cụ y tế, phương tiện tránh thai để thực hiện các gói dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ.

Trưởng trạm Y tế xã Bình Tâm, TP.Tân An - Phạm Hoàng Vũ cho biết: “Để góp phần vào thành công chung của chiến dịch toàn thành phố, cán bộ, nhân viên trạm y tế chú trọng tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nắm thông tin và tham gia chiến dịch.

Ngoài ra, Trạm Y tế xã còn huy động lực lượng CTV DS phát thư mời, vận động PN trong độ tuổi sinh đẻ đến kiểm tra sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí. Trong đó, tập trung đối tượng nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chú trọng các cặp vợ chồng đã sinh 1 con và chưa có ý định sinh thêm con và các đối tượng đặc thù như công nhân, người lao động thuộc các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn; vị thành niên, thanh niên”.

Tham gia chiến dịch, PN được hướng dẫn điều trị viêm nhiễm đường sinh dục cũng như được phổ biến kiến thức về CSSKSS, chăm sóc trẻ nhỏ. Từ đó, chị em có thêm kiến thức về việc lựa chọn các phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp, góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.

Chị Huỳnh Thị Bích Nga (xã Bình Tâm, TP.Tân An) chia sẻ: “Tôi đã sinh đủ 2 con và được mời tham gia chiến dịch tại Trạm Y tế xã. Tại đây, tôi được tầm soát ung thư cổ tử cung, siêu âm, khám phụ khoa, tư vấn SKSS-KHHGĐ và cấp thuốc miễn phí. Sau khi được bác sĩ thăm khám và tư vấn, tôi chọn biện pháp tránh thai bằng đặt dụng cụ tử cung để dừng lại ở 2 con và nuôi dạy tốt”.

Nâng cao chất lượng dân số

Từ ngày 24/6 đến 09/7/2024, Trung tâm Y tế huyện Đức Huệ tổ chức triển khai 2 đợt chiến dịch trên địa bàn. Để chiến dịch diễn ra hiệu quả, các địa phương tổ chức họp triển khai, phân công từng thành viên phụ trách địa bàn và lập danh sách đối tượng đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai. Hoạt động truyền thông được thực hiện bằng nhiều hình thức như phát thanh, treo băng rôn, cấp phát tờ bướm, huy động các ngành, đoàn thể, nhân viên y tế ấp cùng đội ngũ CTV DS thực hiện các hoạt động tư vấn, vận động đối tượng đến điểm khám đầy đủ.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Huệ - Lê Thành Công cho biết: “Chiến dịch được tập trung khám cho PN trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi. Trước ngày diễn ra chiến dịch, ngoài phát thanh tuyên truyền, đội ngũ CTV DS còn đến từng hộ dân để phát thư mời và tuyên truyền, vận động chị em tham gia. Tại các điểm diễn ra chiến dịch có 3 nhóm khám: Khám và tư vấn làm mẹ an toàn cho PN đang mang thai; khám và đặt các dụng cụ tránh thai như đặt vòng, thuốc tiêm, thuốc cấy; khám và phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục; tư vấn cung cấp các dụng cụ tránh thai miễn phí như bao cao su, thuốc viên. Bên cạnh khám và cấp thuốc miễn phí, đội dịch vụ lưu động hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện dịch vụ kỹ thuật của huyện chú trọng tư vấn SKSS, chế độ dinh dưỡng cho PN mang thai và kết hợp lấy mẫu tế bào âm đạo để tầm soát ung thư cổ tử cung miễn phí cho chị em”.

Tư vấn về chăm sóc sức khỏe tại Trạm Y tế xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ

Qua 2 đợt triển khai chiến dịch, các địa phương trong huyện ngoài đẩy mạnh truyền thông còn siêu âm 666 ca, đạt 100%; test VIA 1.435 ca, đạt 100%; sàng lọc trước sinh 266 ca, sàng lọc sơ sinh 224 ca (đạt 100%); tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân cho 160 lượt nam, nữ. Ngoài ra, gói KHHGĐ (thuốc tiêm, thuốc cấy); gói viêm nhiễm đường sinh dục (khám phụ khoa, điều trị, soi tươi) đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả đã đạt tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch DS năm 2024 và từng bước nâng cao chất lượng DS trên địa bàn huyện.

Chị Huỳnh Thị Kim Yến (khu phố 1, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ) chia sẻ: “Tôi thấy đây là hoạt động ý nghĩa, không chỉ giúp chị em tiếp cận các dịch vụ CSSKSSKHHGĐ chất lượng mà còn giúp phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời”.

Có thể khẳng định, Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSSKHHGĐ và nâng cao chất lượng DS tại vùng mức sinh thấp và mức sinh thay thế năm 2024 là một trong những hoạt động trọng tâm trong thực hiện mục tiêu DS và phát triển, từng bước góp phần nâng cao chất lượng DS. Đi đôi với chú trọng thực hiện hiệu quả chiến dịch, đội ngũ làm công tác DS tiếp tục phối hợp thực hiện các giải pháp tăng mức sinh ở địa phương đang có mức sinh thấp, duy trì kết quả ở những địa phương đã đạt mức sinh thay thế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược DS Việt Nam đến 2030./.

Thực hiện Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ và nâng cao chất lượng DS tại vùng mức sinh thấp và mức sinh thay thế năm 2024, Ban Chỉ đạo công tác DS và Phát triển các huyện, thị xã, thành phố phân công cụ thể thành viên phụ trách địa bàn, theo dõi tiến độ chiến dịch. Công tác kiểm tra, giám sát, việc thông tin, báo cáo được thực hiện đúng theo quy định. Ban DS và Phát triển xã thực hiện tốt việc quản lý, lập danh sách đối tượng cần vận động, phân loại đối tượng để tích cực tuyên truyền.

Chiến dịch được triển khai, thực hiện đồng loạt tại 94 xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố, được đội lưu động cung cấp dịch vụ các gói KHHGĐ và CSSKSS cho người dân trên địa bàn.

Trong đó, các huyện: Bến Lức, Cần Đước, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Đức Huệ, TP.Tân An và thị xã Kiến Tường đầu tư thêm kinh phí để triển khai mở rộng chiến dịch cho toàn địa bàn. Công tác phối hợp các ban, ngành, đoàn thể triển khai chiến dịch được thực hiện tốt. Việc giao chỉ tiêu cho từng CTV bám sát đối tượng, mời đối tượng đến khám, tư vấn, vận động đối tượng thực hiện gói dịch vụ KHHGĐ, viêm nhiễm đường sinh dục và gói nâng cao chất lượng DS được thực hiện bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ngoài nguồn kinh phí của tỉnh phân bổ, một số huyện, xã còn hỗ trợ thêm kinh phí địa phương và vận động xã hội hóa cho các hoạt động trong chiến dịch.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết